Sầm Sơn Thanh Hóa từ lâu đã được biết đến là địa điểm vui chơi lý tưởng vào mỗi dịp hè. Bên cạnh các hoạt động liên quan đến biển, quý khách còn có dịp thăm thú nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, thú vị.
Kinh nghiệm du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa (Phần 1): Đi thế nào, ở đâu Kinh nghiệm du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa (Phần 3): Ăn gì ngon, cần lưu ý gì |
Các điểm du lịch ở Sầm Sơn Thanh Hóa
Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa
Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa nằm trải dài từ đường Hồ Xuân Hương đến gần khu vực Đền Độc Cước giáp FLC. Bãi biển có chiều dài khoảng 4km. Thông thường bãi biển Sầm Sơn khá đông đúc, nhất là vào mùa du lịch.
Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa gồm 4 bãi: A, B, C, D. 2 bãi biển A, B có sóng nhỏ, bờ phẳng mịn, gần khu vực trung tâm nên được khai thác từ lâu, nhộn nhịp nhất và cũng gần các khách sạn lớn. Thêm vào đó, 2 bãi biển C, D mới được khai thác nên chi phí phải chăng hơn, thoáng đãng hơn 2 bãi biển cũ.
Bãi biển Vinh Sơn
Khác với sự đông đúc, ngột ngạt của bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa, bãi biển Vinh Sơn lại cực kỳ thoáng đãng với bờ cát dài, triền núi thoải cong cong. Nước ở đây khá nông, dù ra tít xa vẫn chỉ đến đùi hoặc bụng một người trưởng thành.
Bãi biển Vinh sơn có cảnh quan tương tự như Vịnh Hạ Long thu nhỏ với hình dạng cánh cung xanh thẫm. Bãi cũng không có sóng lớn với dòng nước lúc nào cũng trôi lững lờ. Ở bên trái bãi tắm, bạn có thể trông thấy mỏm núi nhỏ nhô ra cùng vài chiếc thuyền ca neo đậu. Để thả hồn vào không gian trong lành, bạn có thể đi dạo dọc bờ biển. Nếu có thời gian leo núi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà nghỉ bỏ hoang của người Pháp.
Khi đến Vinh Sơn, du khách có thể nghỉ chân tại các nhà sàn bằng tre ngay cạnh bờ biển. Các nhà hàng này thường cung cấp dịch vụ tắm tráng nước ngọt cùng đồ ăn, đồ uống cho khách du lịch.
Núi Trường Lệ
Tên gọi Núi Trường Lệ tại Sầm Sơn Thanh Hóa gắn liền với một thần thoại. Truyện kể rằng trên ngọn núi xưa kia có một người phụ nữ đã hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi với sức khỏe phi thường. Về sau, chú bé vì thương mẹ mà đắp đất đá lên thi hài mẹ lớn dần thành núi Trường Lệ. Khi trưởng thành, cậu bé đó trở thành chàng trai cao lớn, dũng cảm cùng dân làng đánh tan quỷ biển. Nhờ đó, cậu bé đó chính là thần Độc Cước được nhân dân thờ kính và dựng đền thờ tỏ lòng biết ơn.
Hòn Trống Mái
Hòn Trống Mái thực chất là 2 hòn đá lớn có hình dáng đôi chim đá khổng lồ nằm chênh vênh ở đỉnh núi Trường Lệ, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Điều thú vị là ở cái thế chênh vênh đó, hòn đá vẫn vững chắc đứng giữa trời xanh trải qua bao sương gió, bất chấp thời gian chảy trôi. Phần mỏ đá nghiêng về hướng sóng vỗ phía dưới, từng cây thông reo phía trên như âm thanh thủ thỉ của cặp Trống Mái.
Hòn Trồng Mái gắn liền với một thiên tình sử bi thường. Truyện kể rằng vào năm nước biển dâng cao khiến cả vùng đất ven bờ trở nên chết chóc, tan hoang, có 2 vợ chồng nhà nghèo thoát chết nhờ bám vào cây gạo. Tuy nước biển đã rút nhưng vũng đầm lầy xung quanh khiến ngọn rau cũng không mọc nổi. Thời gian cứ dần trôi, đôi vợ chồng không có gì ăn, đứng trước cảnh đói chết. Bỗng một hôm, người chồng bắt gặp một con chim diều hâu lượn vòng quanh núi và chắc mẩm trên đó có gì đó ăn được. Anh cố gắng leo lên tìm chút để 2 vợ chồng cầm cự. Người vợ linh cảm chuyện không may, lê bước theo dấu chân chồng đến chân núi thì bắt gặp đàn quạ chao liệng. Khi bò đến đỉnh núi, người vợ do nhìn thấy xác chồng mà thương xót vô hạn rồi trút hơi thở cuối cùng.
Chính sự gắn bó thủy chung này của đôi vợ chồng đã cảm động thần tiên. Họ đã hóa phép đôi vợ chồng thành đôi chim quấn quít bên nhau nhưng đến hạn phải theo bầy tiên về trời. Do gắn bó với xóm làng, biển cả, đôi chim bày tỏ mong muốn ở lại mảnh đất quê hương. Đôi chim từ đó hóa đá thành hòn Trống Mái tồn tại vĩnh hằng với thời gian.
Đền Độc Cước
Đền Độc Cước mang tên vị thần cùng tên Độc Cước (có nghĩa là một chân), một vị thần trong tín ngưỡng dân gian. Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh núi hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ, ngay cạnh bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa. Đền gắn liền với huyền thoại về chàng trai khổng lồ tự xé đôi chân để đánh bại quỷ biển, cứu toàn bộ dân làng biển.
Đền Độc Cước xây dựng vào thời nhà Trần và trùng tu nhiều lần vào thời nhà Lê. Đường dẫn lên đền khoảng 40 bậc thang đá. Trong đền đặt tượng thần Độc Cước làm từ gỗ chỉ có một tay, một chân. Ở phía sau đền là Môn Lâu được dựng vào năm 1863 bằng gỗ.
Đền Cô Tiên
Đền Cô Tiên tọa lạc trên đỉnh hòn Đầu Voi, cuối dãy Trường Lệ theo hướng Tây Nam. Trong đó, hòn Đầu Voi, tên chữ “Tượng Đầu Sơn” có hình dạng nhô ra trên dãy Trường Lệ như đầu voi cúi xuống uống nước. Đây cũng là hòn thứ năm trong hệ thống phân loại dân gian.
Đền Cô Tiên xây dựng vào thời nhà Lý, gắn liền với truyền thuyết về một người con gái làm nghề thuốc. Do đem lòng yêu chàng trai nhà nghèo, cô gái bị cha đuổi ra khỏi nhà. Cuộc sống đôi lứa êm ả trôi qua đến khi cô bị bệnh phong. Bỗng một hôm có bà lão ghé thăm, hòa lá nam vào nước lấy từ Vụng tiên để chạy chữa cho cô. Sau khi cô gái khỏi bệnh, bà cụ ra đi để lại một giỏ thuốc và tay nải che nắng mưa. 2 món đồ này không chỉ giúp họ chữa bệnh được cho nhiều người mà còn đem lại 1 ngôi nhà 3 gian khang trang. Một buổi sáng 2 vợ chồng dắt tay lên núi không thấy quay lại. Từ đó, ngôi nhà của vợ chồng họ trở thành đền Cô Tiên được thờ phụng quanh năm.
Đền Cô Tiên có cấu trúc 3 lớp truyền thống gồm Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung. Đền theo lối kiến trúc hình chữ Đinh hay chuôi vồ. Do yếu tố khác nhau như mưa gió, nắng to và chiến tranh tàn phá, ngôi đền gần như hư hỏng nặng. Sau bao lần trùng tu, ngôi đền tọa lạc tại Sầm Sơn Thanh Hóa này vẫn giữ được nét cổ kính hiếm có.
Nhà thờ Sầm Sơn
Thực chất Sầm Sơn Thanh Hóa có cộng đồng giáo dân đông đảo với nhiều kiến trúc nhà thờ độc đáo. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là nhà thờ Giáo xứ Sầm Sơn. Để di chuyển đến đây, bạn bắt xe điện đến chợ hải sản khô tại Bãi D Sầm Sơn, nhìn sang ngã tư giao với đường Nguyễn Du.
Nhà thờ Giáo xứ Sầm Sơn Thanh Hóa xây dựng năm 1922 với kiến trúc mái vòm Pháp. Nhà nguyện tại đây được mở từ sáng sớm đến chiều tối. Thêm vào đó, khoảng sân rộng của nhà thờ giúp bạn thoải mái thưởng ngoạn phong cảnh.
Gợi ý xem thêm: