Nhắc đến bánh cuốn miền Bắc, người ta nghĩ ngay đến hương vị thơm ngon, đậm đà, dẻo dai. Trái lại, bánh cuốn miền Nam nổi bật với gạo và thịt nướng, bánh cuốn miền Trung loại có ram cuốn, thịt lợn băm, miến…
Bánh cuốn Hà Giang
Lớp vỏ bánh cuốn Hà Giang được tráng từ bột gạo xay. Phần nhân bánh làm từ mộc nhĩ và thịt băm. Đôi khi bánh lại được tráng dày hơn, đập thêm trứng gà nguyên lòng đỏ với lòng trắng, sau đó gấp gọn lại. Bên trên mỗi đĩa rắc thêm hành phi.
Điểm đặc biệt nhất của đặc sản Hà Giang trứ danh này chính là nước chấm thanh ngọt được ninh từ xương lớn trong khoảng 3-4 tiếng. Trước khi dùng, bát được cho thêm 1-2 thanh giò với chút hành lá, rau mùi. Tiếp đến, bánh được đặt nguyên chiếc vào nước xương chứ không cắt nhỏ như bánh cuốn dưới xuôi. Để hương vị thêm đậm đà, thực khác có thể bỏ thêm chút gia vị, ớt chưng hoặc giấm.
Theo dân địa phương, đây là cách thưởng thức lâu đời để giữ ấm trước thời tiết lạnh giá của vùng núi cao. Hiện nay món bánh được bày bán ở rộng khắp Hà Giang với giá cả phải chăng 25.000-30.000 đồng/1 suất.
Bánh cuốn Cao Bằng
Tương tự với bánh cuốn Hà Giang, bánh cuốn Cao Bằng được dùng với nước ninh xương ngọt thanh, thêm chút hành lá và không rắc thêm hành khô. Mặt khác, loại bánh này cũng không thêm nhân mộc nhĩ hay ăn cùng chả quế như dưới xuôi.
Để làm ra món bánh đúng điệu Cao Bằng, người ta thường chọn gạo tẻ Đoàn Kết. Nhờ đó, bánh có phần vỏ trắng mịn, dẻo dai với mùi thơm dịu nhẹ.
Công đoạn tráng bánh cũng cần được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận để vỏ không bị quá dày hay quá mỏng. Đầu tiên, người ta sẽ láng bột thật mỏng trên mặt nồi, tiếp đó chín nhờ hơi nước. Lúc mở nắp vung ra, người ta dùng nẹp tre cuốn phần vỏ bánh, thêm thịt heo rồi cuộn lại.
Bánh cuốn Cao Bằng ngon nhất khi còn nóng hổi nên chỉ được làm khi khách tới. Do đó, thực khách nếu muốn được nếm được mỹ vị cũng cần hết sức kiên nhẫn.
Bánh cuốn Lạng Sơn
Điểm khác biệt của bánh cuốn Lạng Sơn so với bánh dưới xuôi là phần nhân trứng lòng đào mềm mại, thơm ngậy. Bột xay mịn được tráng mỏng tạo nên lớp vỏ trắng mịn, dẻo dai.
Phần nước dùng được ninh từ xương ống tạo nên hương vị đậm đà, ngọt thanh, rắc thêm chút gia vị, rau mùi. Nếu cần thích chút cay cay, bạn có thể bỏ thêm tiêu hoặc ớt. Đôi khi bánh cuốn Lạng Sơn lại được chấm với nước giấm pha đường và xì dầu.
Chính hương vị độc đáo pha trộn với vỏ bánh dẻo quánh, trứng gà ngậy mềm sẽ làm vương vấn cõi lòng vị khách.
Bánh cuốn Thái Nguyên
Bánh cuốn Thái Nguyên cũng được thưởng thức chung với nước hầm xương. Điểm đặc biệt của loại bánh này là được thêm vào trứng gà, thịt heo cuốn lá lốt thay cho giò lụa hoặc chả quế. Tuy nhiên, một bát bánh chỉ có khoảng 2-3 chiếc.
Tương tự bánh cuốn Cao Bằng, đặc sản này dùng với nước ninh xương ngọt thanh, rắc thêm ít hành lá, rau mùi và hành khô. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh này dọc theo đường Bắc Nam, Thái Nguyên với giá thành phải chăng khoảng 15.000 đồng/1 bát.
Bánh cuốn Hà Nội
Bánh cuốn Hà Nội cổ truyền có lớp vỏ tráng mỏng, ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Điểm ngon nhất của món bánh này chính là lớp vỏ mỏng dẻo dai.
Nếu bánh cuốn Thanh Trì không có nhân thì bánh tại các khu vực tại Hà Nội thường thêm chút thịt băm, mộc nhĩ. Khác với bánh cuốn trứng vùng cao, bánh cuốn trứng Hà Nội lại sử dụng phần trứng đánh đều cả lòng đỏ và lòng trắng, sau đó tráng đều lên bánh. Mỗi chiếc bánh to cỡ 2 ngón tay, sau đó được cắt 2, cắt 3, rắc thêm hành khô.
Đặc sản Hà Nội này thường dùng chung với chả quế, một số quán lại có thêm chả nướng. Thay vì dùng nước ninh xương, nước chấm bánh cuốn lại được pha chua ngọt tạo nên cảm giác thanh mát cho ngày hè.
Bánh cuốn tôm Thái Bình
Không sử dụng thịt heo như bánh cuốn thông thường, bánh cuốn Thái Bình tạo nên nét đặc trưng rất riêng với phần nhân tôm lấy từ vùng biển Diêm Điền. Để làm phần nhân, người ta sẽ hấp chín tôm nõn, băm chung với hành củ, gấc, thịt heo, mộc nhĩ. Thêm chút nước mắm sẽ giúp phần nhân thêm đậm đà. Tiếp đó bạn xào hỗn hợp trên lửa to, nêm gia vị và chút hạt tiêu.
Vốn nổi tiếng về lúa gạo, vỏ bánh Thái Bình được làm từ những hạt gạo dẻo dai, thơm ngon nhất. Tiếp đó, gạo được xay nhuyễn thành dạng bột nước, khuấy đều, tiếp đi tráng mỏng. Khi bột chín, người làm đặt nhân tôm thịt lên, cuộn tròn rồi xếp lên đĩa.
Khi ăn, người ta dùng chung đặc sản Thái Bình này với nước mắm cốt Diêm Điền pha chanh, tỏi, ớt. Chính loại nước mắm đặc biệt này đã đem đến màu vàng óng ả như mật ong hòa với vị mặn của biển.
Bánh cuốn Hưng Yên
Bánh cuốn Hưng Yên được làm từ gạo tám xoan thượng hạng. Lá bánh được tráng dày dặn nhưng vẫn đủ dẻo mại, mềm mại, không lo cứng, được xếp thành chồng. Phần nhân được làm từ thịt nạc nguyên băm nhỏ, sau đó xào chung với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu đến khi se lại.
Khi có khách đến, chủ quán sẽ múc phần nhân và hành khô lên vỏ bánh. Do cuốn nguội nên phần mộc nhĩ màu nâu đen hay hành phi màu vàng không hiện lên vỏ bánh như loại truyền thống.
Để ăn bánh cuốn Hưng Yên đúng điệu, bạn phải dùng tay cầm từng cuốn bánh, sau đó chấm vào nước chấm. Phần nước mắm hòa với nhân bánh và lát ớt tạo nên độ béo ngậy, ngọt bùi thơm ngon. Chỉ cần cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận ngay được cái bùi bùi, ngọt ngào với cảm giác mềm mại đầu lưỡi.
Gợi ý xem thêm: