Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Đến Mù Cang Chải, du khách có thể đi đường Quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ đi qua Sơn Tây, lên Văn Chấn, tiếp tục di chuyển qua Tú Lệ, đi tiếp 50km sẽ đến Mù Cang Chải.
Từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục, chừng nào leo đến độ cao 1.750m (đèo Khau Phạ), sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Hướng thứ hai, du khách đi hết đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu để tới Mù Cang Chải.
Bắt đầu từ giữa tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm người dân khắp mọi miền tổ quốc đổ về Mù Cang Chải mùa lúa chín để được chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt vời của mảnh đất vùng cao. Đây là thời điểm lúa trên những ruộng bậc tháng tại Mù Cang Chải bắt đầu chín và thu hoạch. Du khách hay gọi thời gian này là “mùa vàng nơi rẻo cao Mù Cang Chải”
Các địa điểm nức tiếng ở Mù Cang Chải
Bản Lìm Mông
Bản Lìm Mông là nơi cứ trú của người H’Mông. Ở đây có con đường đát đỏ dốc ngược nên rất khó đi. Vào mùa hè đường đầy bụi khô mờ, tới đông thì lầy lội. Vậy có đáng để du khách bỏ nhiều công sức tới đây?
Tất nhiên là có rồi. Từ trên khúc cua đầy cam go, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh những đỉnh núi phủ đầy sắc vàng óng của lúa tỏa sáng dưới ánh mặt trời ấm áp. Mùi hương đồng nội tỏa ra không hề nồng đậm mà cực kỳ thanh tao, đầy sảng khoải.
La Pán Tẩn
La Pán Tẩn là một trong ba địa phương có ruộng bậc thang nổi tiếng nhất tại Mù Cang Chải. Các bậc xếp chồng trên diện tích 700ha được ví như “dấu vân tay” của trời. Vào năm 2017, nơi đây đã được Bộ VH&TT xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia.
Từng gợn sóng lúa như cuốn lấy trái tim của vị khách ghé thăm. Trên những ánh mây mỏng nhạt, cánh chim chao liệng cuối chân trời. Đây chính là món quà xứng đáng nhất với mọi trở ngại mà bạn đã vượt qua.
Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ thuộc Tứ Đại Đỉnh Đèo ở miền Bắc do độ quanh co và dốc hàng đầu. Điềm khởi đầu của đèo cắt qua quốc lộ 32 và quốc lộ 219 liên tiếp với phía trước đèo Chấu và sau đèo Vách Kim trên đường 32.
Đây là tụ điểm của dân ưa thích mạo hiểm. Trong những năm gần đây, hoạt động nhảy đù tại đèo đã trở thành một phần lễ hội của xứ này.
Tuy nhiên, 2/3 đường đèo Khau Phạ khá gập ghềnh, phải gần Tú Lệ mới phẳng hơn chút. Trên đường có nhiều đoạn cua gấp, đang sửa chứa nên dễ sạt lở, lún đường.
Xã Tú Lệ
Đây là cái tên nổi tiếng bậc nhất vào mỗi mùa lúa chín tại Mù Căng Chải. Biển vàng trải đều từ chân tới đinh núi khiến bất kỳ du khách nào cũng cảm thấy nức nóng khi ghé tới.
Khi du lịch mùa lúa chín tại Mù Cang Chải, bạn có thể chiêm ngưỡng một màu vàng trù phú xuyên suốt. Địa phương này còn in đậm nét nguyên sơ với tầng tầng lớp ruộng bậc thang.
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái, bàn tay khéo léo của người dân bản địa cũng nắm bắt “dạ dày” của không ít du khách. Đó cũng là lý do nhiều người ví Tú Lệ như một cô sơn nữ vừa xinh đẹp, vừa đảm đang.
Bản Thái (Mù Cang Chải)
Gọi là bản Thái bởi vì ở đây là địa bàn người Thái sinh sống, với những nếp nhà sàn và vẫn giữ nguyên những nét đẹp văn hóa của người Thái.
Một ngôi làng nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi, quanh năm bốn mùa đều bình yên. Để đến được bản Thái các bạn có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy đều được. Từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn đi theo đường quốc lộ 32 đến chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái.
Xã Chế Cu Nha
Cách trung tâm huyện khoảng 7 km về hướng Hà Nội. Đường vào xã này khá dốc và khó đi, không phù hợp lắm với những bạn đi lần đầu. Tại Chế Cu Nha, ruộng bậc thang có hình dáng tổng thể như mâm xôi, là một đặc sản thắng cảnh mà chỉ vùng cao nơi đây mới có.
Tháng 10 là thời điểm thu hoạch lúa trên những ruộng bậc thang và cũng là thời điểm đẹp nhất của cánh đồng Chế Cu Nha. Hiện Chế Cu Nha đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007.
Rừng Trúc
Rừng trúc Mù Cang Chải hay còn gọi là rừng trúc Háng Sung (rừng trúc Mồ Dề). Cách trung tâm Tt. Mù Cang Chải khoảng 2km đường chim bay còn đường xe ôm, xe máy là 3.5km. Đây là khu rừng trúc của người dân trồng. Đường lên rất dốc và cao, hiện tại chỉ có đường mòn quanh co nhỏ xóc.
Ngoài ra, bạn có thể đến rừng trúc Púng Luông (Ngã ba kim rẽ hướng Púng Luông) cách thị trấn Mù Cang Chải 20km. Rừng trúc Púng Luông dễ đi hơn do gần đường và có cầu thang tre dẫn lên đỉnh đồi tre trúc vầu ở bản Nả Háng Tủa Chử – xã Púng Luông.
Thác Mơ (Mù Cang Chải)
Thác Mơ nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải, Yên Bái).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc.
Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.
Cầu Ba Nhà
Cầu Ba Nhà là một địa điểm du lịch tại Huyện Mù Căng Chải (Tỉnh Yên Bái thuộc vùng Tây Bắc Bộ). Cách trung tâm Tỉnh Yên Bái khoảng 164 km.
Cách trung tâm huyện khoảng 10km, khu vực cầu Ba Nhà là điểm dừng chân luôn thu hút được đầy ắp các bạn trẻ tới đây săn ảnh. Các bạn có thể dừng ở đây để chụp ảnh “mâm xôi”, đi men theo con đường đất dốc ngược bên cạnh cầu để có những bức ảnh tuyệt đẹp.
Thác Pú Nhu
Thác Pú Nhu được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai, Sơn La đổ về. Thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.
Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên các bọt nước bốc hơi khiến cho ta thấy thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Đồi Móng Ngựa
Đồi Móng Ngựa ở bản Sáng Nhù – nơi có thể ngắm trọn vẹn sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Vào thời điểm lúa chín, khung cảnh nơi đây khiến bất cứ ai cũng yêu thích bởi khoác lên mình chiếc áo khổng lồ dệt bằng sắc lúa vàngĐứng từ trên cao, phóng tầm mắt xuống những thửa ruộng hình vòng cung uốn lượn được ví giống móng ngựa, bạn sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên. Hít hà sự trong lành giữa không gian mênh mông bao phủ sắc vàng lộng lẫy, mọi mệt mỏi, muộn phiền nơi phố thị dường như tan biến
Đồi Mâm Xôi
Đồi mâm xôi ở xã La Pán Tẩn nổi tiếng là địa danh du lịch hấp dẫn của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái bởi hình dạng độc đáo của chính thửa ruộng bậc thang. Đây cũng là nơi được các phượt thủ đánh giá là thửa ruộng bậc thang đẹp nhất vùng Tây Bắc. Đến mùa lúa chín, nơi đây là điểm tập trung đông du khách nhất Mù Cang Chải. Mọi người cùng đến đây để checkin và chụp hình.
Thưởng thức đặc sản Mù Cang Chải
Xôi nếp nương Tú Lệ
Nhắc tới mùa lúa chín tại Mù Cang Chải làm sao có thể thiếu được món xôi nếp Tú Lệ. Khoảng thời gian này thích hợp hơn cả để thường thức được hạt gạo mới hẵng còn dẻo, thơm. Và “gia vị” không thể bỏ qua tất nhiên là chút se lạnh cuối thu rồi.
Để có được một đĩa xôi ngon, người dân bản địa còn kháo nhau dùng nước suối trên đỉnh Khau Phạ. Cái chất nước thanh khiết nhất hòa cùng với hạt gạo nương mới ra được hương vị tinh túy của đất trời Mù Cang Chải.
Đừng dại mà dùng đũa gắp khi thưởng thức xôi nếp Tú Lệ. Thịt gà, cơm nếp là phải dùng bằng tay. Ấy là các cụ xưa đã dạy thế, cấm có bao giờ sai.
Khi cầm một nhúm, bạn sẽ thấy ngay độ căng, dai, dẻo của hạt gạo. Xôi đạt iêu chuẩn phải khô ráo, dinh dính nhưng không nát. Đừng vội chấm ngay muối lạc để thưởng thức được vị xôi nguyên bản của núi rừng.
Cắn một miếng và nhai thật kỳ vị bùi, béo béo mà không ngấy. Xôi chẳng cần rưới thêm mỡ gà, dầu ăn hay nước cốt dừa mà vẫn ngọt thơm đến lạ lùng. Độ tách rời vừa phải giữa các hạt giúp xôi nếp Tú Lệ không đầy, bứ như ở vùng đồng bằng.
Cốm Tú Lệ
Thức xôi nếp ngon tới vậy thì cốm Tú Lệ chắc chắn chẳng thể kém cạnh. Không như thức cốm dưới xuôi, thứ cốm này vốn nổi tiếng về độ to tròn, bóng bẩy. Ngay khi mở bọc lá, cái hương thơm thanh mát đã tỏa ra rộng khắp.
Món cốm này nhìn tuy đơn giản nhưng quá trình thực hiệ lại lắm công phu. Để lưu giữ trọn vẹn vị đậm đà của cốm, bà con bản địa phải lựa lúc lúa còn nguyên sữa. Càng để lâu thì hạt càng cứng, khô và khó nhuốt.
Trong quá trình làm, lúa cần được tuốt, loại bỏ rơm, hạt lép. Tiếp đó đãi qua nước cho sạch sẽ rồi mới bắc lên chảo rang. Để hạt được đều, không ám mùi than, người ta dùng củi và chảo gang. Xỉ than chỉ được dùng để đắp bếp lò.
Thóc khi rang cần đảo liên tục trên bếp nhỏ lửa. Khi thóc chín tới, người ta đợi nguội rồi mới cho vào cối giã. Khi thấy bung hết trấu, thóc được xúc ra làm sạch rồi lại tiếp tục giã đều. Thông thường khoảng 10 lần giã thì thu được thành phẩm.
Ngoài ăn cốm không, bạn có thể thưởng thức với chuối, hồng đỏ. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo vịt, xôi, chè, chả, tôm,…
Táo mèo
Khi mới tới Mù Cang Chải, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng một loại quả tròn đều được bày khắp các chợ, cửa hàng. Đó là quả táo mèo.
Điều đặc biệt là cây táo mèo phát triển trong thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng của gió Lào, mùa đông lại lạnh cóng. Cây ra hoa mùa xuân, có thể hái quả vào tháng 9-10. Do đó, mùa lúa chín tại Mù Cang Chải cũng là thu hoạch táo mèo.
Chúng chẳng hề ngọt ngào hay mọng nước như táo tây, táo Hàn. Cái vị chát đến rít lưỡi khiến nhiều người mới ăn lần đầu phải bỏ vội. Ấy thế mà táo mèo ngâm với rượu lại tạo nên món đồ uống ngon đáo để. Phải chăng cái men say của rượu đã khiến “cô gái của núi rừng” phải bộc lộ cái chất ngọt ngào của mình?
Ngoài rượu, người dân bản địa còn dùng nó làm nước giải khát, ô mai, mứt, giấm, nước giải khát,… Cả loại quả này đều dùng được như một vị thuốc quý chữa đầy vụng, hạ huyết áp, co bóp tim. Hạt và ruột táo còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp. An thàn. giảm béo, cân bằng sinh lý,…
Nhộng ong rừng
Nhộng ong rừng là đặc sản quý hiếm của Mù Cang Chải và không phải luôn sẵn có. Phải chờ tới khi ong làm sinh sản từ tháng 4-8, bạn mới có cơ hội nếm thử món ăn này.
Dù khá hiếm nhưng cách chế biến nó lại cực kỳ đơn giản. Cách thức phổ biến và “đưa cơm” nhất là rang với lá chanh. Chỉ cần thêm chai rượu táo mèo là đã đủ những đấng mày râu lai rai tới tối.
Một trong những món ăn đặc biệt nữa phải kể tới nhộng ong rừng xào mùng tơi. Cái màu vàng ươm hòa cùng sắc lá xanh khiến người xem không khỏi chẹp miệng vài cái. Thêm chút lá chanh thanh mát lên cái béo ngậy của nhộng càng trở nên xuất sắc hơn cả.
Nếu độ béo này chưa thể thuyết phục vị giác của bạn, món nhộng tẩm bột chiên giòn chắc chắn sẽ làm bạn không khỏi gật gù.
Châu chấu rang
Tới Mù Cang Chải mùa lúa chín mà không thưởng thức món ăn “tuổi thơ” này thật là thiếu xót. Cái e dè của bạn sẽ nhanh chóng được thay thế bằng tiếng xuýt xoa đầy thỏa mãn. Cái béo béo, bùi bùi lan tỏa cùng hương lá chanh thơm nồng quả thật là “mỹ vị nhân gian”.
Châu chấu rang đạt tiêu chuẩn phải có màu nâu đậm bóng bẩy. Việc đảo đều tay trên lửa liu riu giúp mặt nguyên liệu vàng đều, không bị cháy xém hay có mùi khét. Lá chanh được thêm vào sau cùng để không bị đắng.
Dù có quanh năm nhưng châu chấu vào tháng 5 và tháng 9 mới lạ nhiều và ngậy nhất. Điểm nhấn của món ăn này chính là cái giòn tan của châu chấu. Cùng là vị ngậy, béo ấy thế mà người lỡ yêu thích tiếng nổ lách tách lại chả thế tìm thấy cái thú này ở nhộng ong rừng.
Phương tiện đi Mù Cang Chải
Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cách Hà Nội khoảng 300km. Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển theo hướng Tây Bắc bằng các phương tiện sau:
Xe máy
Bạn có thể di chuyển 1 trong 3 cách sau:
- Đi theo quốc lộ 32 qua Sơn Tây > Đồi chè Thanh Sơn > Thị Xã Nghĩa Lộ > Tú Lệ > Mù Cang Chải
- Cầu Thăng Long > Quốc lộ 2 > Phúc Yên > Việt Trì > Đoan Hùng > Quốc lộ 37 > Thị Xã Nghĩa Lộ > Tú Lệ > Mù Cang Chải
- Cầu Thăng Long > Phúc Yên > Vĩnh Yên > Lập Thạch > Sơn Dương > Quốc lộ 37 > Thị Xã Nghĩa Lộ > Tú Lệ > Mù Cang Chải.
Xe khách
Đây là phương pháp an toàn, tiết kiệm nhất. Bạn có thể vừa ngắm cảnh vừa nghỉ ngơi.
Xe Hưng Thành
- Thời điểm xuất phát: 6h tối hàng ngày.
- Giá vé: 250.000 đồng.
- Đặt vé: 1900 7075.
- Điểm xuất phát: Bến xe Mỹ Đình, số 20 Phạm Hùng
- Điểm kết thúc: Thị trấn Mù Cang Chải.
Xe Cường Lan
- Thời gian xuất phát: 10h30 tối hàng ngày.
- Giá vé: 250.000 đồng.
- Đặt vé: 1900 7075.
- Điểm xuất phát: Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội
- Điểm kết thúc: Bến xe Mù Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái
Cách thức di chuyển tại Mù Cang Chải
Để chủ động di chuyển giữa các điểm du lịch, bạn nên thuê xe máy. Mức giá dao động từ 100-200.000 đồng tùy thời điểm. Bạn có thể dùng xe riêng nếu tự đi từ Hà Nội.
Do tuyến đường tại đây khá khó đi, hãy lưu ý những điểm sau:
- Duy trì tốc độ ổn định.
- Chú ý quan sát và nắm chắc phanh xe, đặc biệt tại khúc cua Nghĩa Lộ – Tú Lệ, Khau Phạ.
- Duy trì khoảng cách an toàn giữa cách xe.
- Không dàn hàng ngang trên đường.
Nơi ở tại Mù Cang Chải
Tới Mù Cang Chải, bạn có thể nghỉ tại các homestay từ Tú Lệ cho đến Thị Trấn Mù Cang Chải. Các Homestay đẹp nhất tập trung chủ yếu tại Bản Thái. Nếu muốn trải nghiệm nhiều hơn, bạn có thể nghỉ ở trong bản hoặc cắm trại đêm.