Đắm chìm trong tiếng Khèn của người Mông trên rẻo cao

“Đá nối đá…muôn trùng vời vợi
Mây nối mây…giăng giăng kín trời
Khèn ai ơi, bài ca cao nguyên đợi
Ai đã qua sẽ hứa hơn một lần tới.”

Nếu ai đã từng đặt chân qua những bản làng cheo leo trên cao nguyên đá Hà Giang, hẳn không thể nào quên được tiếng khèn da diết, mãnh liệt của người Mông. Vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá hòa quyện cùng tiếng khèn trầm bổng, sâu lắng như tình người nơi đây đã làm rung động biết bao người. Để rồi một ngày kia khi người ta nghĩ lại mình đã từng mê mẩn cảnh sắc, đắm say tiếng khèn như thế nào thì không thể ngăn nổi bước chân quay trở lại đây thêm nhiều lần nữa. 

Linh hồn cao nguyên đá

Những ngọn núi đá đồ sộ, những cánh đồng hoa tam giác mạch,…là những điều mà người ta hay nghĩ đến khi nói về Hà Giang. Thế nhưng đối với đồng bào người Mông sống trên cao nguyên đá này thì tiếng khèn mới là “linh hồn”, là thứ không thể thiếu trong đời sống của họ.

Trên cao nguyên đá, tiếng khèn âm vang khắp cả núi rừng, làm thổn thức cả mây trời và nó cũng mang theo cả những nỗi lòng da diết không thể nói thành lời của những chàng trai đang tuổi cập kê.

Truyền thuyết cây khèn

“Trong truyền thuyết xưa của người Mông, nguồn gốc của chiếc khèn bắt nguồn từ câu chuyện về gia đình có 6 người anh em nhưng mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Họ yêu thương nhau hết mực, đi đâu cũng có nhau, chẳng bao giờ chịu chia xa. Một năm nọ, trời làm mưa lũ, mùa màng bị nước quét sạch, đói kém xảy ra khắp nơi. 6 anh em cùng người dân phải di tản lên rừng núi cao để tránh lũ và kiếm cái ăn.

Khèn

Tuy nhiên, không may mắn 4 trong 6 người đã không thể vượt qua cơn lũ tàn khốc nơi rừng núi. Còn lại 2 anh em, thì 1 người bị dòng nước đẩy sang phía bên kia sông, nơi người chết nhiều vô số kể, những sọ dừa nằm lăn lóc dưới chân làm cho người em vô cùng sợ hãi. Sống trong tình cảnh khốn cùng, không có thức ăn, nước uống, 2 anh em đều nghĩ cái chết đã đang đợi mình ở phía trước. Nhưng trước khi chết, người anh muốn gửi những lời yêu thương đến với người em của mình đang ở bên kia dòng lũ. Anh bèn lấy xương người chết mài thành dao cắt một cây nứa làm sáo.

Khi cây sáo được làm xong, anh thổi lên nhưng cảm thấy thiếu mất một thứ gì đó. Tiếng sáo của anh vút lên chỉ nói được tiếng nói của bản thân mà chưa hòa nhịp được với tiếng nói của những anh em mình. Sau một hồi suy nghĩ, anh làm tiếp 5 cái nữa tượng trưng cho tiếng nói của 5 anh em còn lại.Sau khi gắn kết sáu cây sáo với nhau, người anh cả thổi lên thấy nỗi lòng mình hòa nhịp với tiếng nói của các em. Tiếng khèn của người anh bay khắp núi rừng làm cho chim chóc, thú vật ngỡ ngàng không hiểu vì sao hôm nay lại có âm thanh hay đến như vậy.

Điệu múa Khèn của đồng bào Mông – Ảnh: TTXVN

Các con vật khắp nơi rủ nhau kéo đến xem rất đông. Chúng đều ngỏ ý muốn xin người anh một cái để thổi. Người anh ra điều kiện, nếu con vật nào giúp 2 anh em đoàn tụ thì sẽ cho con vật đó cây sáo lớn nhất. Cả vượn và diều hâu đều xung phong đưa người qua sông nhưng loài diều hâu chỉ biết dùng móng vuốt của mình nâng đỡ cho người anh còn loài vượn ra sức cõng người anh trên lưng bơi qua dòng nước lũ. Sau khi qua được sông, gặp lại người em, xét công lao của hai con vật, người anh tặng vượn cây sáo to nhất, kêu vang và hay nhất là cái “y lua”, còn loài điểu ưng được tặng cái nhỏ hơn. Chính vì lẽ đó mà loài vượn mới có tiếng kêu vang và hay như bây giờ.”

Chế tác cây Khèn

Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh, loại nhạc cụ gắn bó với người Mông từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia. Thiếu tiếng khèn chính là thiếu đi “linh hồn” của người Mông.

Để làm ra được cây khèn như ý phải trải qua nhiều công đoạn cùng sự tỉ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ. Trước tiên, người làm khèn phải lựa được thân khèn bằng một loại gỗ họ thông, thớ gỗ thẳng, không mối mọt. Cây gỗ sau khi được chặt xuống, phải ngay lập tức cắt khúc dày từ 80 – 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính.

Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn là những thân trúc trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn.

Nghệ nhân Sùng A Dơ và chiếc khèn Mông.

Sở dĩ phải sấy khô cả thân và ống trúc để vừa chống mối mọt, vừa tạo ra có độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co dãn, rạn nứt. Cuốn quanh thân khèn là loại dây được tách từ vỏ cây đào rừng, vừa để giữ chặt bầu khèn, vừa mang tính trang trí.Hành trang của người đàn ông dân tộc H’Mông bao giờ cũng có chiếc khèn, được chế tác từ sáu ống nứa ghép với nhau qua một chiếc bầu gỗ. Cây khèn tốt khi thổi lên phải thấy được nỗi lòng của người thổi lẫn người làm ra nó. Phải thật sự yêu thích nó mới có thể làm ra một cây khèn ưng ý.

Nhạc khí truyền thống của người H’Mông

Khèn Mông chỉ có 6 ống ngang nhưng thổi được 7 nốt trên khuông nhạc. Ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất có vai trò giữ nhịp. Các ống còn lại tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi.

Chiếc khèn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào người Mông. Người Mông từ ngàn xưa đã quan niệm rằng, cây khèn là nhịp nối giao tiếp linh thiêng giữa trần gian và cõi thần linh. Chiếc khèn là công cụ “gọi hồn” để người chết nghe tiếng mà biết đường, biết lối về với tiên tổ, họ hàng.

Đến bây giờ, khèn không chỉ là đạo cụ “gọi hồn” mà tiếng khèn còn được vang lên trong các dịp hành lễ, hội bản, ngoại giao đón khách, cưới xin…Tiếng khèn được sử dụng ngày càng thông dụng bởi nó thể hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc và ẩn chứa cả những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.

Tiếng Khèn ăn sâu vào máu thịt

Tiếng khèn thấm vào máu thịt của người Mông, thân quen như miếng “mèn mén” mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. con trai 13, 14 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Âm thanh của tiếng khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống của người Mông, bới nếu không kiên cường mạnh mẽ thì chắc họ khó lòng đương đầu nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng. Là con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn. Thổi khèn hay, múa khèn dẻo thì sẽ nhận được sự quý mến, nể phục từ mọi người xung quanh.

Tiếng khèn gắn bó với đồng bào người Mông trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày. Lên nương rẫy hay xuống chợ phiên, lễ lạt…thì hình ảnh chiếc khèn là điều không thể nào thiếu được. Khi tiếng khèn vang lên sẽ thay cho những lời nói, tâm tư, mong ước của người dân về những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật. Tiếng khèn sẽ “hóa giải” hết những thứ không thể nói thành lời. Đặc biệt tiếng khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi nó chính là cách để người sống và người chết có thể giao tiếp được với nhau. Bài khèn trong đám tang cũng giống như một bài điếu văn cho một đời người.

Tiếng Khèn gửi tâm tư – chất chứa tình cảm

Con trai Mông thổi khèn là để thổ lộ, tâm tư tình cảm của mình. Các chàng trai thổi kèn bước chân nghiêng ngả theo âm thanh trầm bổng, in bóng trên nền trời xanh, trên núi đồi ngút ngàn như một kiệt tác thiên nhiên. Đối với họ, học thổi khèn không chỉ là để giải trí mà đó còn là cách để họ thể hiện tài năng của mình và đó cũng là sợi dây kết nối để họ tìm được người bạn đời của mình. Những chàng trai với thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh với những giai điệu khèn âm vang cùng những động tác múa khèn điêu luyện sẽ chiếm được tình cảm của các cô gái.

Múa Khèn

Chiếc khèn là một thứ văn hóa vật thể được gìn giữ bền vững qua nhiều đời cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của người Mông. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ được tiếng khèn là giữ được bản sắc của dân tộc Mông. Nghe tiếng khèn của người Mông âm vang khắp rừng núi sẽ khiến bao lo toan, vất vả, muộn phiền trong cuộc sống sẽ tan biến mất. Hãy thử một lần về với miền cao nguyên đá Hà Giang để ngắm mây ngắm núi, để thấy những chùm hoa mãnh liệt mọc lên từ đá và để được đắm say trong tiếng khèn nơi rẻo cao.

Checkin Travel
Checkin Travelhttps://checkintravel.vn
Đơn vị cung cấp Tour du lịch hàng đầu Việt Nam. Dịch vụ chuyên nghiệp - Hướng dẫn viên thân thiện - Lịch trình an toàn - Phục vụ chu đáo

Related Stories

spot_img

Khám phá

10 điểm du lịch mùa lúa chín đẹp nhất miền bắc

Xuất phát từ một quốc gia nông nghiệp và một phần không thể tách...

Thảo nguyên Suôi Thầu, Xín mần – đẹp ngất ngây như trong chuyện cổ tích châu Âu

Thảo nguyên Suôi Thầu (Hà Giang) là một trong những thảo nguyên đẹp bậc...

10 địa điểm du xuân đáng đến trong tháng Giêng

Để một năm mới bình an, may mắn, nhiều người thường tìm đến các...

2023 khám phá Nhật Bản, thiên đường của mèo

Nhật Bản được xem như một thiên đường của loài mèo. Người dân đất...

13 địa điểm lãng mạn cho tuần trăng mật ở Singapore trong năm 2023

Dù có diện tích bé nhỏ nhưng Singapore lại có nhiều cảnh quan tuyệt...

Đầu năm 2023 đến ngắm Đài Loan rực rỡ, dung hòa hiện đại và cổ điển

Tháng 1, tháng 2 đầu năm là mùa đông ở Đài Loan. Dù thời...

Danh mục

Bình luận

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here