Bánh thắng dền nho nhỏ mà cực kỳ “có võ” trong ngày giá lạnh. Chỉ một bát cũng đủ nức lòng người dân bản địa và du khách thập phương.
Chút bất ngờ là ấn tượng thoạt đầu của mọi người con Bắc Bộ về thắng dền. Với cái miệng quen thưởng thức viên mật ngọt của bánh trôi nước hay nhân đậu bùi của bánh trôi tàu, viên bánh không khiến nhát cắn đầu tiên có chút hụt hẫng.
Đa số vị khách đều tìm tới thắng dền sau lịch trình mệt mỏi. Giữa thời tiết lạnh giá, cái ấm nóng từ bát thắng dền nhanh chóng thuyết phục bất kỳ người thưởng thức nào.
Viên bánh nhỏ xinh không làm người ta bị bứ như hòn bánh nếp. Chúng chỉ nhỉnh hơn viên trân châu một chút. Khi thưởng thức, bạn cũng không cần cắn từng miếng nhỏ một.
“So với 1 bát 3 viên bánh trôi tàu, chục viên bánh thắng dền nghe cũng có lợi đấy chứ?”. Đó là câu nói đùa mà du khách hay nói với nhau. Ai đang đói bụng thậm chí có thể ăn tới 2-3 viên một lúc.
Ấy! Đừng vội chén bát thắng dền một lúc. Hãy dành chút thời gian để thưởng thức nước, đường và gừng để làm ấm cơ thể trước đã. Và khi cái hương tràn ngập khứu giác, vị giác mới có thể cảm nhận được cái tinh túy của món ăn.
Về hương vị, thắng dền gần giống với món “sủn dìn” của Hải Phòng hơn. Nó không thanh thanh vị nước đường như bánh trôi nước mà có vị cay cay, tê tê từ gừng.
Có lẽ vị trí gần với biên giới Trung Quốc đã đem tới hương vị nồng đậm cho thức ăn này. Và cũng không thể bỏ qua ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt nơi đây.
Nặn bánh đâu chỉ vài tiếng…
Điểm đặc biệt nhất làm nên tên tuổi của món thắng dền chính là gạo nếp Yên Minh, Hà Giang. Khác với hạt gạo miền xuôi, loại gạo này có hạt to, trắng và chắc. Khi làm chín, cái bùi, béo, dai của nó hiếm có giống lúa miền ngược nào sánh bằng. Lúc hoàn tất thành phẩm, cái chất đặc, quánh của viên bánh cũng ấn tượng vô cùng.
Để làm thắng dền, người ta đem gạo nếp nương ngâm qua đêm để hạt được dẻo thơm hơn. Gạo ngâm trung bình từ 5-6 tiếng là vừa ngon. Tùy thời tiết, người làm sẽ điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp. Song gạo thường ngâm quá 15 tiếng thì bị chua quá.
Nước được lấy trực tiếp ở vòi hãy còn mát mẻ. Cái cách ngâm với nước nóng chỉ làm giảm cái dẻo, bùi của hạt gạo xuống mà thôi. Gạo khi miết trên mặt phẳng tan ra như bột phấn là đạt tiêu chuẩn.
Cách làm truyền thống là giã gạo trong cối đá, lỉnh kỉnh từ khâu chuẩn bị tới khâu lau rửa. Sau khi vớt ra, gạo được xay đều tới khi thật nhuyễn và mịn. Thứ nước được dùng càng có chất kiềm cao thì càng căng mọng, ngọt bánh.
Tới khi bột mịn như sữa hạt, người ta đổ bột vào tấm vải lớn đựng trong nồi. Các góc khăn được túm lại thành hình tay nải rồi treo lên chỗ sạch sẽ, khô ráo. Đến khi nắn ngoài bọc thấy bột chắc lại xong bước này.
Sau bước gột, cục bột xuất hiện các thớ bột chảy với kết cấu chắc nịch. Chất bột khi này mịn màng như những viên đất sét. Nó được mang đi nhào tới khi thật dẻo và mịn. Công đoạn này cũng mỏi tay kha khá như lúc giã mịn ban đầu.
Khi này, bột không được chảy nhão, không dính tay, dễ định hình. Cục lớn này được chia thành những phần viên nhỏ vừa miệng.
…Nước dùng ngon cũng lắm công phu
Trong món thắng dền, nước dùng là yếu tố quyết định hương vị tổng thể món ăn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá vị giác tinh tế và sự khéo léo của người đầu bếp.
Các nguyên liệu chính của nước dùng thắng cố là nước, đường và gừng. Dựa vào đó, mỗi người làm sẽ có công thức biến tấu của riêng mình.
Một điểm độc đáo nữa của món ăn này là sự ấm nóng. Nồi nước dùng được đun liu riu liên tục trên bếp suốt khoảng thời gian bán hàng. Khi có khách tới, viên bánh mới được thả vào nấu chín. Sau khi bánh nổi, người ta vớt ra rồi cho thêm chút lạc, mè và dừa nạo sợi.
Với các hộ gia đình, đây cũng là cái cớ để cả nhà quây quần. Họ vừa làm bếp vừa trò chuyện vui vẻ và thưởng thức món bánh “đoàn kết”.
Hiện nay, nhiều quán cũng đã đổi mới để chiều lòng các thực khách từ nơi xa. Một số hàng làm thêm chút chút nhân đậu xanh cho bánh. Số khác lại nhuộm màu, rưới chút nước cốt dừa hoặc cho lá nếp khi còn đun. Cái thức biến thể này vì thế cũng đầy đặn, beo béo hơn.
Tuy nhiên, sự đơn giản của món thắng dền truyền thống vẫn hút hồn người hơn cả. Cái thức trắng trong, tròn tròn, dẻo dẻo ấy chẳng cần quá cầu kỳ hay thêm những thức xa hoa, hình thức vẫn khiến bao vị khách phương xa phải xuýt xoa, gật gù.
Phải chăng chính cái hồn hậu, dung dị như tính cách người bản địa đã khiến nhiều người không ngại lặn lội đường xa chỉ để thưởng thức một bánh thắng dền “chay” đúng nghĩa?
Thắng dền vốn nổi tiếng là món ăn chơi mùa đông của người Hà Giang. Mà đã ăn chơi thì những nơi nghiêm túc như khách sạn, nhà hàng khiến cái phong vị của bánh giảm đi phần nhiều.
Thay vào đó, bạn hãy ghé qua các phiên chợ Hà Giang để thưởng thức thắng dền đúng điệu nhất. Và tất nhiên đây cũng là nơi bổ sung nguyên liệu không thể thiếu cho món bánh này: những cơn gió lạnh đầu mùa.
Mức giá của món bánh này cũng cực kỳ hữu nghị, chỉ từ 10.000 đồng trở lên. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này trong nhiều quán ăn, nhà hàng tại Hà Giang.