Với vẻ đẹp của những con thác hùng vĩ, những cánh rừng hoang sơ, những hồ nước phẳng lặng và cả những di tích lịch sử hiện đang được bảo tồn, Cao Bằng hiện đang là một trong những điểm đến thu hút đông đảo lượt khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nếu đang có dự định đi du lịch Cao Bằng mà chưa biết phải checkin ở đâu – hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
1. Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc Thác nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm du lịch Cao Bằng nổi tiếng được nhắc đến nhiều nhất.
Thác Bản Giốc là một trong những thác nước hùng vỹ và tuyệt đẹp ở Việt Nam. Ngày đêm thác nước ầm ào cuồn cuộn đổ xuống, từ độ cao trên 30m, dòng nước khổng lồ chảy xuống những bậc đá vôi, những mô đá phẳng phía dưới tạo thành những dải lụa trắng xóa, bụi tung mờ ảo trắng cả một vùng.
Vào những ngày nắng đẹp dưới ánh sáng mặt trời, những dải lụa trắng càng trở lên lung linh huyền ảo hơn sắc ánh vàng, đôi lúc còn có cả cầu vồng nữa. Dưới chân thác là mặt sông phẳng lặng, trải rộng như gương, in bóng thác nước hùng vỹ và những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt, tất cả hòa quyện thành một thể như đang ở chốn tiên cảnh vậy.
2. Hang Pác Bó – suối Lê Nin
Hang Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin là dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ. Đặc biệt hơn, suối Lê Nin có một màu xanh rất riêng biệt mà chỉ vào tháng 7, tháng 8 hàng năm nước suối mới chảy xiết và đục; còn lại nhưng tháng khác đa số rất trong xanh và hiền hòa, gắn với nhiều câu chuyện, nhiều sự tích độc đáo của lịch sử . Nếu du khách đứng trên bờ và nhìn xuống mặt nước sẽ thấy rất rõ những đàn cá bơi nhẹ nhàng, uốn lượn trông rất tự do tự tại, tạo cảm giác bình yên, hài lòng với cuộc vốn xô bồ này.
3. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao tọa lạc tại bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Động có chiều dài 2.144m. Động gồm ba cửa chính là: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (tức cửa gió, quanh năm mát lạnh) và cửa Bản Thuôn phía sau núi thuộc Bản Thuôn.
Theo tiếng Tày, “ngườm” là “động”, “ngao” là “hổ”; “Ngườm Ngao” có nghĩa là động hổ. Động Ngườm Ngao được chia thành ba khu chính: Khu Tứ trụ thiên đình, khu trung tâm và khu kho báu. Ngườm Ngao có một vẻ đẹp vô cùng kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những dải nhũ đá muôn màu sắc mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dáng đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh.Chắc chắn đây sẽ là điểm dừng chân thú vị của mỗi người khi du lịch Cao Bằng.
4. Làng rèn Phúc Sen
Làng rèn Phúc Sen thuộc địa phận xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước với nghề rèn nông cụ truyền thống, gắn chặt với cuộc sống của bà con người Nùng, và đã trở thành một nét văn hóa riêng có của vùng đất này.
Vượt qua cung đường vắt núi hùng vĩ dẫn lên huyện vùng cao Quảng Uyên, đón du khách tại làng rèn dao Phúc Sen Cao Bằng là đoạn đường dài chừng 2km được bày bán đủ loại công cụ bài trí bắt mắt. Bước chân vào làng, đâu đâu cũng thấy các lò than rực cháy, tung tóe những đốm hoa lửa sau những nhát búa, nhát đe dứt khoát.
Và có đến đây để trực tiếp nhìn, rồi nghe những câu chuyện của người thợ lâu năm, du khách mới thấy thêm nhiều điều thú vị về cái nghề rèn trông lắm vất vả này. Trải bao năm tháng với những nốt thăng trầm, làng nghề rèn Phúc Sen vẫn giữ được phong thái truyền thống và những nét văn hóa đặc trưng của người Nùng.
Việc gìn giữ phong tục lối sống và nghề truyền thống xa xưa đã khiến làng rèn Phúc Sen trở thành điểm đến ấn tượng với du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng.
5. Hồ Thang Hen
Thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, Hồ Thăng Hen là một hồ đẹp trong số 36 hồ lớn nhỏ trong vùng rừng núi của huyện Trà Lĩnh.
Hồ có dạng hình thoi rộng từ 100m đến 300m, dài từ 500m đến 1.000m như chiếc “gương thần” soi bóng thiên nhiên đất trời Cao Bằng hùng vĩ, tráng lệ.Phía đầu nguồn là một cái hang rộng, từ trong hang nguồn nước chảy ra suốt ngày đêm. Một điều đặc biệt kỳ thú khi người dân nơi đây cho biết cứ vào khoảng 10 năm một lần, bỗng dưng nước hồ Thăng Hen cạn gần hết và chỉ sau một vài ngày nước lại dâng lên. Và ấn tượng nữa là khi vào mùa lũ nước hồ Thăng Hen vẫn giữ được màu xanh ngọc bích đặc trưng, trong khi các hồ khác trong vùng chuyển màu đỏ lựng. Top 7 địa điểm du lịch tại Cao Bằng
Lời khuyên dành cho các bạn trẻ đến đây nên thử một lần đi sâu vào trong bản, khám phá hồ cùng những câu chuyện bí ẩn truyền tai nhau từ đời này sang đời khác.
6. Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh.
Đèo Mã Phục cao khoảng 620m (để lên tới đỉnh phải vượt qua bảy vòng dốc).Đường đèo không rộng và cũng không quá nguy hiểm lắm. Phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.
Có rất nhiều thuyết về tên gọi Mã Phục nhưng thực tế khi lên đến nơi ta nhìn thấy hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục.Đỉnh đèo Mã Phục bị kẹp giữa hai ngọn núi tựa như một cổng thành trước khi ra khỏi thành phố đi về 5 huyện phía Đông thành phố Cao Bằng (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa). Khung cảnh xung quanh đèo Mã Phục đẹp hút hồn, một bên là vách núi cheo leo, một bên lại là vực sâu thăm thẳm. Chính độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai ở đây.
Chinh phục đèo Mã Phục, ngắm nhìn thiên nhiên toàn cảnh và mua đặc sản Cao Bằng ngay tại chợ phiên trên đỉnh đèo chính là một trải nghiệm vô cùng lý thú đối với mỗi du khách khi đến đây.
7. Thác Nặm Trá
Núi Mắt thần – Thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), cách Hồ Thang Hen khoảng 2 km, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, mới được phát hiện nhưng đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, khám phá…
Đặc biệt nhất là ngọn núi Phja Piót (tiếng Tày: “núi thủng”), vì ngọn núi có một khoảng lớn thông qua mặt sau hình tròn như con mắt, được người dân nơi đây thường gọi và du khách tán thưởng với tên núi “Mắt thần”.
Sau khi ngắm núi “Mắt thần”, rẽ sang bên phải hồ Nặm Trá, men theo con đường đất khoảng 600 m là đến thác Nặm Trá. Thác nước không cao và nhiều tầng nhưng có rất nhiều dòng chảy uốn lượn giữa các mỏm đá màu xám lô nhô tạo nên vẻ đẹp hùng vỹ. Điểm tô thêm cho vẻ đẹp của thác là những cây xanh và các sắc hoa rừng… bao quanh nên cảnh sắc rất sinh động.
Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nơi đây được dân yêu thích xê dịch đặt cho cái tên “Tuyệt Tình Cốc Cao Bằng”
Cùng đến Cao Bằng và tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh núi rừng trùng điệp, hùng vỹ của Cao Bằng để tháy được rằng thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng ta những món quà quý giá và đẹp tuyệt vời.