Nói tới những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, không thể nào không nhắc tới dệt thổ cẩm – nơi nổi tiếng với những hoạ tiết sặc sỡ rất khó kiếm tìm ở bất cứ nơi nào khác. Dệt thổ cẩm không chỉ tạo ra các sản phẩm bền đẹp, tính ứng dụng cao mà còn mang cả một nét văn hoá lâu đời, lưu giữ nhiều giá trị tinh thần của đồng bào, bà con nơi đây. Hôm nay hãy cùng theo chân Vivu khám phá làng dệt thổ cẩm Lùng Tám tại Hà Giang và tận hưởng không khí sắc màu rực rỡ tại đây bạn nhé!
Làng nghề thổ cẩm nổi tiếng nhất Đông Bắc
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang. Đây làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc, hàng năm thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế ghé thăm. Ngôi làng này được hình thành bắt đầu từ năm 2001 khi mô hình hợp tác xã ra đời, ban đầu chỉ có 10 người dân sinh sống và đến nay đã hơn 100 nhân khẩu. Đất Lùng Tám có dòng sông Miện chảy qua, xung quanh là những đỉnh núi đá mù sương. Bởi vậy, không chỉ nổi tiếng với làng nghề dệt lâu đời, Lùng Tám cũng là nơi phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp, rất thích hợp cho những chuyến du ngoạn đầu năm. Là nơi cư trú của đồng bào dân tộc H’Mông được biết đến với nghề dệt lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo không chỉ phục vụ trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Những sản phẩm tại Lùng Tám – Tỉ mỉ, tinh tế và độc đáo
Để nói về những sản phẩm được tạo ra tại Lùng Tám, chúng ta có thể dành sự tinh tế để miêu tả nên kĩ thuật dệt phức tạp đi cùng quá trình nhuộm màu vải kì công của những người phụ nữ nơi đây. Đến với làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tất bật trong cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa, khi những người phụ nữ H’Mông khéo léo ngồi trước khung cửi, cần mẫn làm nên những tấm vải đẹp, những sản phẩm thổ cẩm độc đáo.
Được mua lại những tấm vải dệt từ vải lanh tự nhiên là một trong những điều khiến du khách cảm thấy rất thú vị khi có thể lưu lại một phần kí ức và văn hoá của người dân tại nơi địa đầu Tổ Quốc. Làng dệt thổ cẩm không chỉ đem lại thu nhập cho các hộ dân ở đây mà còn góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời của người H’Mông. Hầu hết ai sinh ra và lớn lên ở Lùng Tám đều tiếp nối nghề dệt của làng, tạo nên những gia đình có nhiều thế hệ chuyển tiếp văn hoá và truyền thống lâu đời đi cùng với sự giao thoa giữa các thế hệ một cách tinh xảo.
Nguyên liệu chính để dệt vải ở Lùng Tám là sợi lanh. Hầu hết những người phụ nữ H’Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Cây lanh sau khi thu hoạch được lựa chọn kỹ, đem đi ngâm và tuốt ra thành từng sợi nhỏ, nối để không tạo thành mối ở chỗ nối. Tiếp theo, sợi lanh sẽ được cuộn lại vào các khung quay. Để sợi lanh mềm, phụ nữ H’Mông thường đem đi luộc hoặc hấp.
Sau khi sơ chế, người dân Lùng Tám tạo màu cho sợi lanh bằng màu nhuộm có nguồn gốc từ tự nhiên như lá cây rừng, các loại gỗ và đảm bảo không dùng hóa chất công nghiệp. Kỹ thuật dệt của người phụ nữ H’Mông được đánh giá là khó có làng nghề nào ở Việt Nam sánh bằng. Người H’Mông dệt vải bằng khung cửi đai lưng. Sau khi dệt xong, hình thành nên tấm vải, họ đem đi giặt nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải lên khúc gỗ tròn, dùng phiến đá có chà sáp ong lăn qua lăn lại cho đến khi tấm vải mềm và sợi vải bóng hơn. Vải được đem đi ngâm trong dung dịch chàm khoảng 1 tiếng rồi mang ra phơi, khi ráo nước lại ngâm vào dung dịch tiếp, quá trình lặp đi lặp lại 5 – 6 lần. Sau đó, vải được đem đi nhuộm, quá trình nhuộm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, gặp hôm trời nắng chỉ khoảng 3 – 4 ngày đã khô còn nếu trời mưa có thể kéo dài vài tháng. Chính vì công đoạn nhuộm vải kĩ mà màu chàm trên vải của người H’Mông luôn có cảm giác tươi mới và bền lâu.
Xem thêm: 7 ĐỊA DANH NGẮM RUỘNG BẬC THANG ĐẸP NHẤT VIỆT NAM
Gìn giữ văn hoá truyền thống của dân tộc
Một trong những đặc điểm khiến thổ cẩm của Lùng Tám gây thương nhớ đối với du khách thập phương chính là những hoa văn độc đáo, mang nhiều tầng ý nghĩa. Họa tiết đều thực hiện bằng kỹ thuật thêu tay, đắp vải màu, vẽ hoa văn sáp ong. Người H’Mông sáng tạo ra việc dùng sáp ong để vẽ trên vải trắng theo những khối hình thoi hoặc hình vuông, đối xứng nhau giúp cho hoa văn trên tấm vải được bền hơn. Đây là công đoạn khó, đòi hỏi sự tỉ, khéo léo và sáng tạo từ người thợ. Những hoa văn này miêu tả cuộc sống đa sắc màu của người dân nơi đây, phản chiếu sự hoà hợp của con người với đất trời và mong ước về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tại làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, các sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ được bày bán và trang trí khắp mọi nơi, từ quán ăn, nhà hàng, khách sạn,… đến các sản phẩm được người dân sử dụng hàng ngày như túi, áo, mũ,… Len lỏi đi sâu vào nét sinh hoạt hàng ngày của mọi người, các sản phẩm của làng dệt còn được xuất khẩu đến hơn 20 nước như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sỹ,.. Dù ở đâu, các sản phẩm của người dân Lùng Tám cũng được ưa chuộng bởi nét độc đáo đến từ chất liệu đến hoa văn rực rỡ. Vải lanh còn được biết đến là một chất liệu bền, có lợi cho sức khỏe, tạo được sự thông thoáng khi mặc, do đó đây cũng là cơ hội để sản phẩm của làng Lùng Tám vươn xa hơn trong tương lai.
Xem thêm: 7 KHU NGHỈ DƯỠNG NGẬP TRÀN ‘HƯƠNG SẮC’ VÙNG CAO
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám đã và đang góp phần công sức của mình vào bức tranh văn hoá của đồng bào dân tộc tại Hà Giang và gìn giữ nét truyền thống tươi đẹp của cha ông ta ngàn đời nay để lại. Nếu có dịp đến thăm mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, ghé thăm Lùng Tám yên bình và tìm hiểu những câu chuyện ẩn sau lớp hoa văn muôn màu chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên của bạn đấy!