Bản Son Bá Mười cách trung tâm Thanh Hóa khoảng 130km. Hội tụ đủ 3 yếu tố khí hậu, cảnh sắc và con người, nơi đây đang hấp dẫn không ít người đam mê khám phá tìm tới trải nghiệm.
Bản Son Bá Mười: Chốn Sapa thu nhỏ của xứ Thanh
Son Bá Mười là 3 bản vùng cao nằm trên đình vúi Phà Hé, tọa lạc trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thanh Hóa. Nơi đây nằm gần kề với khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn của tỉnh Hòa Bình, song song với mạch núi Pù Luông – Cúc Phương. Bản Son – Bá – Mười còn được biết với tên gọi khác là khu vực Cao Sơn.
Nằm trên độ cao 1100m, 3 bản này gần như riêng lẻ so với các bản nằm dưới chân núi. Sương mù gần như bao phủ quanh năm xứ này tạo nên nét đẹp huyền bí, thơ mộng. Phong cảnh núi non hùng vĩ xen giữa những nếp nhà sàn hoàn thiện bức tranh nguyên sơ này.
Nhiệt độ trung bình tại bản Sơn Bá Mười cũng không quá cao khoảng 20-22 độ C. Mùa đông tại đây cũng lạnh hơn so với các khu vực lân cận. Khi nền nhiệt xuống dưới 0 độ C, bản còn có cả tuyết rơi. Cũng vì thế mà người ta vẫn ví đây như là Sapa của Bắc Trung Bộ.
Nếu muốn tranh thủ tận hưởng cái cảm giác mát mẻ mà không thể đi dài ngày, đây quả thực là địa điểm nên cân nhắc. Và tất cả vùng đất hãy còn “tươi mới” này thực sự yên bình và nguyên sơ để lắng lòng sau những ồn ào phố thị.
Cuộc sống cách biệt của Son Bá Mười: Khó khăn và sự đổi mới
Khu “biệt lập” Cao Sơn là nơi sinh sống của đồng bào Thái. Đường vào bản cũng không có nhiều sự lựa chọn và khá khó đi. Con đường thứ nhất chạy ngược qua Phà Hè, đi từ trung tâm xã lên khoảng 10km. Trước còn là con đường mòn, người dân muốn lên đây cũng mất ngót cả nửa ngày.
Con đường thứ 2 cũng chẳng đễ dàng hơn là mấy. Để tới Cao Sơn, bạn phải đi ngược từ Hòa Bình vượt cổng trời là tới. Vì thế, bản Son Bá Mười từng như một thế giới khác biệt, không điện, không đường, không chợ. Thiên nhiên ưu ái cho việc trồng trọt, nghỉ dưỡng cũng chẳng phát triển được do giao thông thiếu thốn trăm bề.
Ngoài cây lương thực, rau màu, bà con Cao Sơn hiện còn trồng thêm dược liệu chất lượng cao.
Một góc bình yên của bản Son Bá Mười (khu vực Cao Sơn)
Hiện nay Cao Sơn cũng đã bắt đầu đổi thay với những ngôi nhà khang trang hơn. Đường tỉnh 521B giúp xe cộ dễ dàng qua lại hơn, đặc biệt là ô tô. Số nhân khẩu ở bản Son Bá Mười nay cũng đạt hơn 700. Bà con bản Son cũng có thể yên tâm trồng trọt do có công ty đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Nhờ đó, bà con cũng đã trồng được nhiều giống cây dược liệu chất lượng cao như nhân sân, atiso,… Thời gian gần đây nhiều gia đình cũng đang đầu tư để phát triển du lịch, xây dựng homestay dù tính cách người dân còn khá rụt rè. Đây cũng là tin vui cho các du khách có ý định tới thăm vùng đất này.
Thiên nhiên vùng Son Bá Mười
Cũng như Sapa, chặng đường lên Son Bá Mười chưa bao giờ là dễ dàng. Chặng đường này dù được cải thiện nhưng độ gập ghềnh, dốc đứng vẫn chẳng thể xem thường. Đây quả thực là một thách thức lớn đối với phượt thủ.
Ở đoạn đường thượng, những con dốc đứng cùng khu rừng già âm u khiến các xe phân phối lớn, cồng kềnh gần như bó tay. Có những đoạn dốc đá chỉ rộng cỡ bàn chân, lởm chởm làm người ta phải nhớ tới những cung đường nức tiếng như Khau Phạ. Và tốt nhất bạn đừng cố đi thử vào những hôm mưa vì dân bản địa cũng khó lòng vượt qua nền đất trơn trượt này.
Tuy nhiên, thành quả của mọi sự cố gắng luôn ngọt ngào. Dọc đường đi tới bản Son Bá Mười, bạn có thể nhìn ngắm cây cối xanh rờn, điểm trên đó là đóa hoa đào rừng e ấp hay những bông hoa dại không tên. Chỉ cần tới lưng chừng mọi cảnh vật bên dưới đều đã có thể thu vào tầm mắt.
Dải mây bông bềnh, ánh mặt trời mềm mại như hưởng ứng sự nỗ lực của các con dân ham khám phá. Dù view chưa đẹp như Tà Xùa hay Hòn Bồ, nơi đây vẫn phù hợp là địa điểm săn mây nếu bạn không muốn chen chúc.
Khi tới đỉnh núi, khung cảnh hùng vĩ, cổ kính không khiến những người con thành phố ngỡ ngàng. Từng cung bậc cảm xúc mới lạ, thích thú, yên bình lần lượt xuất hiện. Điểm giữa những chất liệu gỗ trên các vách nhà sàn, tấm lớp xi măng như minh chứng của văn minh đô thị dần len lỏi vào bản làng.
Các cánh đồng lúa, ngô xen kẽ với mướp đắng trải dài khắp bản làng. Vào buổi chiều tà, những làn khói bay ra từ mái nhà thâm nâu khiến khung cảnh càng trở nên êm đềm, thương mến lạ lùng. Và dù có sống cách biệt với các bản làng khác, con người nơi đây vẫn giữ nguyên bản tính hiền hậu, nhiệt thành của người Thái. Và đó cũng là lý do dân tộc này luôn chia sẻ khu vục sinh sống với nhiều dân tộc khác ở vùng Tây Bắc.
Dân cư bản Son Bá Mười: Chân chất và nhiệt thành
Tổng số hộ gia đình tại khu vực Cao Sơn gần 190 hộ, trong đó bản Son chiếm hơn 90 hộ. Do điều kiện khó khăn, cuộc sống ở đây chủ yếu là tự cung cấp. Không phải tất cả hộ dân đều có điện sử dụng.
Để đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, người dân Cao Sơn thường đi bộ tới các chợ xa ở Hòa Bình, Tân Lạc để bán hoặc bán đồ. Chặng đường này có khi phải mất tới 2-3 ngày. Những hộ gia đình không có điều kiện đi xa thì nửa năm, thậm chí là 1 năm mới có dịp đi chợ.
Tuy nhiên, người Son Bá Mười có nghèo vật chất song vẫn luôn giàu ăm ắp tình cảm. Họ sống đùm bọc, chia sẻ và đỡ đần nhau vượt qua khó khăn. Đối với du khách từ phương xa tới, dân cư địa phương luôn niềm nở, hồ hởi. Nếu chủ động giao tiếp, bạn thậm chí còn có thể lắng nghe được những câu chuyện cực kỳ bổ ích đó.
Và tất nhiên làm sao có thể thiếu được các món ngon vùng Pù Luông do chính tay người bản địa làm. Nào là cơm nếp, canh đắng, nộm hoa chuối rừng. Nào là măng cay ngâm, gỏi cà gai dại với chén rượu cay. Xen lẫn tiếng nói chuyện râm ran là âm thanh chơi đùa của trẻ con càng khiến lòng người bồi hồi hơn bao giờ hết.