Cung Tà Năng – Phan Dũng – cung đường trekking được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam. Cung đường này luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu cho những người ưa khám phá. Các bạn hãy cùng khám phá hành trình 2 ngày rong ruổi suốt những ngọn đồi; khám phá “Hương của rừng” cùng VIVU nhé!
Đi Tà Năng Phan Dũng mùa nào đẹp nhất?
Yếu tố an toàn của một chuyến đi trekking chắc chắn sẽ là điều được đặt lên hàng đầu đúng không nào? Chính vì vậy, việc lựa chọn thời điểm lý tưởng để bắt đầu chuyến hành trình khám phá Tà Năng sẽ vô cùng quan trọng.
Theo như chia sẻ của những người dân địa phương, Tà Năng thường chia thành 2 mù. Đó là mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy. Nếu để lựa chọn thì quả thực vô cùng khó để biết được mùa nào đẹp hơn.
Mùa cỏ xanh:
từ tháng 6 đến tháng 12. Lúc này Tà Năng hiện lên với những dãy đồi cỏ xanh mướt. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm bước vào mùa mưa; nên bạn cần cẩn thận hơn bởi đường sẽ trơn trượt.
Mùa cỏ cháy:
từ tháng 1 đến tháng 5. Tà Năng mùa cỏ cháy vứi những cánh đồng cỏ vàng úa, suối cũng cạn nước; cây cối trơ trụi nhưng lại khiến cho Tà Năng khoác trên mình một vẻ đẹp trời Tây vậy đó! Vì là mùa khô nên thời tiết lúc này cũng khá nóng đó!
Nếu như bạn còn đang không biết trekking Tà Năng Phan Dũng mùa nào đẹp; thì theo cá nhân mình là mùa cỏ xanh. Đặc biệt là lúc Tà Năng Phan Dũng tháng 9. Tuy nhiên, trước mỗi chuyến đi bạn cần cập nhật thời tiết để không gặp phải mưa nhé! Trước khi đi 1-2 ngày có mưa thì cũng nên hoãn lại bởi đường đi lúc này vẫn còn rất trơn trượt đó.
Xem thêm: Hành trình khám phá Thác K50
Trekking Tà Năng Phan Dũng cần chuẩn bị gì?
Giày leo núi
Một đôi giày leo núi trekking có độ chống trơn trượt tốt, phần đế nên có những đường rãnh; hoặc đinh để tăng cường độ bám. Ngoài ra, vì quãng đường di chuyển có những đoạn lội nước; nên bạn có thể lựa chọn giày leo núi lội nước.
Balo leo núi
Nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ. Nên dùng loại balo có dung tích lớn để chứa được nhiều đồ cần mang.
Lều cắm trại + túi ngủ
Vì hành trình sẽ kéo dài trong nhiều ngày nên bạn cần bắt buộc mang theo lều cắm trại; và túi ngủ để có không gian nghỉ ngơi trong hành trình di chuyển.
Đồ ăn và nước uống
Mỗi người nên chuẩn bị ít nhất khoảng 5L nước bởi khi leo núi sẽ rất mất sức. (5L nước trung bình sẽ dùng được trong 1.5 ngày) Đến khi hết nước thì có thể đun nước suối.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải chuẩn bị thêm cả đồ ăn như bánh kẹo, bánh mì, đồ khô, thực phẩm đóng hộp…
Bản đồ, định vị GPS, Tracklog
Mỗi một thành viên nên chuẩn bị mang theo các công cụ định vị offline; hoặc bản đồ Tà Năng Phan Dũng map để có thể dễ dàng hơn khi di chuyển.
Quần áo
Ngoài 1 bộ mặc ở trên người bạn nên chuẩn bị thêm 1 chiếc áo khoác chống nước; 2-3 chiếc áo thun chất liệu thoáng mát, 2-3 quần chất liệu mau khô và 1 bộ đồ mặc khi đi ngủ. Nên lựa chọn trang phục dài tay để tránh bị côn trùng hay vắt cắn nhé!
Thuốc và đồ dùng y tế
Các loại thuốc cơ bản cần mang theo trong mỗi chuyến đi như thuốc giảm đau; thuốc đau bụng, hạ sốt, đường glucose và các dụng cụ y tế sơ cứu như bông, gạc, kéo, băng dính…
Các đồ dùng cần thiết khác
Ngoài các gợi ý bên trên bạn cũng cần phải chuẩn bị thêm những đồ dùng cá nhân khác như bàn chải; kem đánh răng, túi khô đựng đồ bẩn, gậy leo núi,…
Cung đường trekking Tà Năng Phan Dũng an toàn nhất
Cung đường Đồi Lính dài 35 km di chuyển đơn giản nhất. Nếu như bạn có nhiều thời gian và sức khỏe dẻo dai thì có thể đi Tà Năng Phan Dũng 3 ngày 2 đêm ;và đi qua thác Yavly với quãng đường dài 55km nhé!
Xem thêm: Nhà Rông Tây Nguyên – Trái tim xứ cà phê
Ngày thứ 1: trekking đến cột mốc 3 tỉnh – cắm tại rừng thông
Từ Sài Gòn bắt xe khách để đi Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau khi lên xe bạn nhớ dặn bác tài cho dừng ở ngã 3 Tà Hine; rồi di chuyển tiếp bằng xe ôm để vào Toa Cát. Từ đây, bạn nên ghé vào chợ Đà Loan để nghỉ ngơi cũng như ăn uống và mua một vài đồ ăn nhẹ mang theo.
Sau đó, bạn di chuyển đến gần bìa rừng Tà Năng thì gửi xe và đi xuống. Bắt đầu hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng. Con đường đi lúc đầu sẽ đi qua dãy đồi thông và khu vườn cà phê của người đân địa phương. Đoạn đường này chủ yếu là đường mòn nên di chuyển dễ dàng; tuy nhiên có điều mà hơi bụi một chút.
Đầu hành trình, mọi người nên tìm một khoảng đất rộng để nghỉ chân. Đừng quên uống thật nhiều nước bởi quãng đường phía trước còn rất dài đó! Trên đường đi có những đoạn in hằn dấu xe của những người chinh phục Tà Năng Phan Dũng bằng xe máy nên khá bùn đất.
Đoạn tiếp theo sẽ dẫn bạn đến với một con dốc cheo leo. Đây cũng chính là một trong những con dốc khó nhằn nhất ở rừng Tà Năng Phan Dũng đó. Từ đây bắt đầu có những con dốc nối đuôi nhau, băng qua con dốc này sẽ đến những con dốc khác.
Hành trình thám hiểm những con đường cỏ cháy
Khung cảnh ở đây toát lên một màu xanh tươi mát, cùng vẻ đẹp nên thơ; với những ngôi nhà gỗ nằm trong lòng thung lũng. Các bạn có thể dừng chân chụp vài tấm ảnh, rồi vào rừng để kịp đến ngọn đồi cắm trại trước khi trời sụp tối.
Mệt mỏi và tốn nhiều công sức là thế, nhưng phần thưởng nhận được cho hành trình là một món quà vô cùng quý giá: những đồi cỏ cháy xanh bạt ngàn, cảnh rừng núi xa tít tắp đẹp mê hồn, bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát mẻ lồng lộng … làm vơi đi rất nhiều những gian nan ban nãy.
Tiếp tục di chuyển trong hành trình Trekking Tà Năng Phan Dũng
Đến khoảng trưa bạn di chuyển đến đồi thông, cảnh quan tại đây rất đẹp và thoáng đãng. Nên mọi người có thể dừng lại để nghỉ ngơi và ăn trưa. Đến khoảng chừng 2h chiều bắt đầu tiếp tục hành trình dài phía trước. Thực sự càng đi bạn sẽ thấy càng mệt, thậm chí có nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, khung cảnh phía trước chắc chắn sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại đó!
Đến tầm 4h chiều bạn sẽ đến cột mốc 3 tỉnh. Từ cột mốc này để đến đỉnh chóp này sẽ mất khoảng chừng 8km nữa. Đường đi chủ yếu là leo dốc nên vô cùng mất sức. So với tầm lúc trưa và sáng thì tầm chiều đã bắt đầu mát mẻ hơn rất nhiều.
Khoảng 6h chiều cả đoàn tới địa điểm cắm trại ở trên đỉnh đồi. Tại đây khung cảnh vô cùng bình yên và đẹp mắt. Bắt đầu dựng lều cắm trại và chuẩn bị đồ ăn cho bữa tối. Buổi tối ở trên núi Tà Năng thường rất lạnh nên bạn đừng quên mang theo áo khoác nhé!
Chiều Jazz trên đồi lộng gió
Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những cơn gió lạnh thổi qua ngọn đồi. Lều trại đã dựng sẵn sàng, cả đám quây quần bên nhau; xem một trận bóng đá với chút sóng wifi mỏng manh từ rừng núi.
Tụi mình cắm trại trên đỉnh ngọn đồi cỏ cháy. Xung quanh là những thảm vàng tuyệt đẹp, màu đặc trưng của rừng núi Tà Năng – Phan Dũng mùa khô. Màu vàng cỏ cháy dưới ánh hoàng hôn huyền ảo lại càng thêm đẹp đẽ và thơ đến lạ.
Bên những chiếc lều tự dựng, chiếc loa nhỏ mang theo cất lên vài bản nhạc du dương; nhìn ngắm ánh hoàng hôn dần buông xuống phía bên kia chân đồi. Tụi mình đã có một buổi chiều “tình” và êm ả như một bản nhạc Jazz. Nào! Bây giờ bắt đầu nướng gà, làm vài món ngon để thưởng thức một bữa tối no nê thôi!
Xem thêm: Ngất ngây trước vẻ đẹp của hoa anh đào Măng Đen
Những ngôi sao lấp lánh trong đêm
Mặt trời đã khuất ở bên kia sườn núi. Lúc này trên đồi chỉ còn ánh sáng của những chiếc lều, bếp lửa và những vì sao trên trời lấp ló. Sau vài tiếng nướng gà, các bạn quây quần bên nhau; bày mâm dọn chén thưởng thức thành quả và bù đắp cho cái bụng no nê sau một ngày đói lả.
Buổi đêm trên đồi lộng gió cùng những câu chuyện đầy thú vị sẽ giúp các bạn hiểu hơn về mọi người, và tình cảm của mọi người cũng gắn bó hơn sau hành trình dài động viên nhau. Chơi xong vài ván ma sói, mọi người đi ngủ để tiếp tục hành trình ngày mai.
Ngày thứ 2: trekking bìa rừng Phan Dũng – Tạm biệt “Hương của núi”
Sáng sớm các bạn nên cố gắng thức dậy để ngắm bình minh; dù ngày hôm qua phải đi bộ nhiều khiến ai cũng thấy mệt nhọc. Tuy nhiên, khung cảnh bình minh lên tại đây thực sự vô cùng đẹp nên bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Khoảng 7h bắt đầu dọn dẹp đồ đạc và tiếp tục hành trình chinh phục Phan Dũng Tà Năng. So với đoạn đường ngày hôm qua thì đường đi lần này không quá khó khăn; bởi không có nhiều dốc lên mà chủ yếu là đi xuống dốc. Hai bên đường cũng có nhiều cây cao hơn nên rất mát mẻ.
Đến khoảng gần 12h trưa các bạn sẽ đến với một con suối. Nếu không phải là mùa bão lũ thì các bạn yên tâm khi tới đây để rửa tay chân và nghỉ ngơi. Nếu như bạn đi vào mùa mưa thì chớ dại mà đến gần những con suối hay thác nhé! Tại đây bạn có thể ăn trưa và tranh thủ chợp mắt một chút rồi 1h bắt đầu đi tiếp.
Khoảng gần 5h chiều bắt đầu đi ra bìa rừng Phan Dũng và cũng là điểm kết thúc hành trình Tà Năng trekking. Lúc này có lẽ các bạn sẽ thấm mệt nên chỉ muốn nhanh chóng lên xe để nghỉ ngơi mà thôi.
Những điều lưu ý khi thám hiểm cung trekking Tà Năng Phan Dũng
Không nên tự ý đi để đảm bảo độ an toàn nhé, có nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra trên cung đường này do tự đi đấy. Hiện nay có khá nhiều đơn vị tổ chức tour giúp đảm bảo sự an toàn và lều trại, đồ ăn thức uống nữa.
Mang theo thuốc, đủ nước và ít socola để cung cấp năng lượng trên đường trekking Tà Năng Phan Dũng.
Luyện tập thể lực trước đó ít nhất 1 tuần để có sức khỏe tốt.
Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không được tách đoàn.
Vậy như thế nào là “hương của rừng”? Sau 2 ngày khám phá cung trekking Tà Năng Phan Dũng – cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam này, VIVU đã nhận ra rằng: “Hương của rừng” thật ra không ở đâu xa đâu. “Hương của rừng” Tà Năng – Phan Dũng là màu xanh bạt ngàn của núi đồi; là chút se lạnh của những cơn gió Tây Nguyên thoảng qua; là màu đỏ cam của những đồi cỏ cháy, là bầu trời rợp ánh sao phía trên lều trại; là tình cảm của những người đồng hành với nhau. Và trên tất cả, là sự can đảm dám vượt qua giới hạn của chính bản thân những chiến binh trekkers.