Được mệnh danh là công trình lăng tẩm đẹp nhất thời nhà Nguyễn, lăng Khải Định mang một nét kiến trúc độc đáo tới mức uyên thâm mà hậu thế sau này không nguôi nhắc đến. Tựa như thành quả từ một cuộc “chơi ngông” của vị vua nổi tiếng bù nhìn và sa đoạ, lăng Khải Định ngày nay trở thành công trình kiến trúc, điểm du lịch lịch sử nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch đến với mảnh đất cố đô. Vivu sẽ cùng bạn khám phá lăng Khải Định ngay trong bài viết sau đây!
Về vua Khải Định và lăng Khải Định
Khải Định Đế, tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là vị hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925. Ông được truy tôn miếu hiệu là Hoằng Tông. Khải Định bị đánh giá là một vị vua nhu nhược trước Pháp, không quan tâm chính sự mà chỉ ham chơi bời, cờ bạc, ăn tiêu xa xỉ.
Vua Khải Định là một vị vua khá cầu toàn, khó tính nên với lăng mộ của bản thân, ông cũng tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ. Và sau khi tham khảo nhiều ý kiến của nhiều bậc thầy địa lí, ông đã chọn triền núi Châu Chữ, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, nằm bên ngoài kinh thành Huế và cách trung tâm thành phố khoảng 10km thành nơi yên nghỉ của mình.
Lăng Khải Định là một trong những khu vực lăng tẩm của vua triều Nguyễn được công nhận kế thừa và phát huy nhiều thành tựu rực rỡ nhất của kiến trúc cổ Việt Nam. Ngôi lăng mộ được thiết kế khá công phu, tỉ mỉ với nhiều phong cách kiến trúc nghệ thuật vừa độc đáo, tinh xảo, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp văn hóa Đông và Tây đầy nổi bật. Khám phá lăng Khải Định trở thành một hành trình ý nghĩa về cả mặt văn hoá và lịch sử với hậu thế sau này.
Lịch sử xây dựng lăng Khải Định
Khám phá lăng Khải Định, chúng ta biết rằng lăng được khởi công xây dựng từ 4/9/1920, quá trình xây dựng lăng tẩm đẹp bậc nhất xứ Huế này kéo dài trong 11 năm. Tuy lăng vua Khải Định ở Huế là lăng tẩm có diện tích nhỏ (diện tích lăng Khải Định là 117m × 48,5m), nhưng lại tiêu tốn thời gian hoàn thành lâu, và tốn nhiều công sức, tiền bạc nhất với lối kiến trúc xa hoa, lộng lẫy, kết hợp giữa Đông và Tây nổi bật.
Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm – chuẩn bị chỗ yên nghỉ vĩnh viễn của một ông vua. Lăng Khải Định Huế lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây nổi bật một thời.
Khám phá lăng Khải Định – công trình kiến trúc lộng lẫy
Tổng thể lăng Khải Định Huế là một khối nổi hình chữ nhật, gồm có 127 bậc thang, qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp đến là Nghi Môn và sân Bái Đính, trên cao là hai tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc, Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất.
Cổng Tam Quan
Khám phá lăng Khải Định, chúng ta sẽ khởi đầu với cổng Tam Quan nổi bật với lối kiến trúc uy nghiêm, bề thế, là lối dẫn vào tham quan lăng Khải Định Huế, bạn sẽ cần bước qua 37 bậc đầu tiên để đến nơi. Các trụ tại khu vực cổng Tam Quan được xây dựng theo phong cách Ấn Độ giáo, cho thấy sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Việt Ấn độc đáo.
Nghi Môn và sân Bái Đính
Để có thể đặt chân đến Nghi Môn và sân Bái Đính, chúng ta sẽ phải đi thêm 29 bậc nữa kể từ cổng Tam Quan. Bước vào Nghi Môn và sân Bái Đính của Lăng Khải Định, du khách sẽ thấy các tượng cận thần và binh lính được xếp thành bốn hàng đối xứng nhau như đang tái hiện lại cảnh chầu của triều đình dưới thời vua Khải Định khi còn sống. Điểm đặc biệt là mỗi bức tượng đều được trạm trổ những họa tiết vô cùng tinh xảo, thể hiện rõ văn hóa, phong tục của quan lại và con người Việt xưa từ 1916 đến 1925.
Cung Thiên Định
Sau khi đi qua tầng chuyển cấp (tầng 3 và 4) bên trong lăng Khải Định Huế, du khách sẽ đến được Cung Thiên Định, nằm ở tầng thứ 5 cao nhất, là nơi chôn cất thi thể của vua Khải Định, và cũng là khu vực tham quan độc đáo nhất, cho thấy sự sáng tạo, phá cách và yêu nghệ thuật của vị vua triều Nguyễn Khải Định.
Điện Khải Thành
Điện Khải Thành là một phần trong Cung Thiên Định, là nơi đặt án thờ và thi hài vua Khải Định, phía dưới điện đặt thi hài vua, bên trên là tượng đồng vua Khải Định. Kiến trúc ở Điện Khải Thành cho thấy sự công phu và tinh xảo. Giữa Điện Khải Thành là chính tẩm, có Bửu Tán nặng 1 tấn làm từ bê tông cốt thép, nhưng nhìn vào vô cùng thanh thoát, mềm mại.
Tượng đồng vua Khải Định
Lăng Khải Định Huế được nhận định là lăng tẩm phá cách, đi theo lối thiết kế riêng, bên trong có hai pho tượng bằng đồng tạc hình nhà vua với tỷ lệ 1:1: (các lăng tẩm khác không có tượng vua ở trong lăng). 2 pho tượng bên trong lăng Khải Định gồm 1 tượng ngồi trên ngai vàng trong Điện Khải Thành, một pho tượng đứng:
- Pho tượng trên ngai vàng ở Điện Khải Thành do hai người Pháp tạc và đúc tượng vào năm 1920, và nghệ nhân người Huế thực hiện phần dát vàng.
- Pho tượng đứng do một lính thợ, quê ở Quảng Nam đúc tại Huế, ban đầu tượng được đặt ở Cung An Định, đến năm 1975 mới chuyển vào Cung Thiên Định.
Di chuyển tới lăng Khải Định
Lăng Khải Định Huế nằm ở khu vực khá gần trung tâm thành phố Huế, chỉ khoảng 9km, nên hành trình khám phá lăng Khải Định khá thuận tiện trong việc di chuyển, mất khoảng 20 phút di chuyển. Từ trung tâm thành phố Huế, bạn di chuyển về hướng tây lên đường Hà Nội, sau đó đi đến phía đường Ngô Quyền, tiếp tục đi theo hướng đường Điện Biên Phủ và Minh Mạng sẽ đến được lăng Khải Định Huế.
Một số kinh nghiệm khi khám phá lăng Khải Định
- Lăng Khải Định là một nơi thiêng liêng và tôn nghiêm nên khi đến đây du khách cần mặc đồ kín đáo và dài, không mặc đồ hở hang như quần đùi, áo hai dây… vì sẽ là hành động thiếu tôn trọng với vị vua đã khuất.
- Hiện nay, Lăng Khải Định đang có giá vé vào cửa là 75.000 VND/ lượt đối với người lớn và 15.000 VND/ lượt đối với trẻ em từ 7 -12 tuổi
- Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Lăng Khải Định là tháng 1 đến tháng 2 hằng năm vì thời tiết lúc này khá mát mẻ và dễ chịu, thích hợp cho các hoạt động tham quan, vãn cảnh.
Khám phá lăng vua Khải Định là một hành trình tìm hiểu văn hoá, lịch sử đáng nhớ, cũng là một trải nghiệm trong trong kiến trúc và nghệ thuật rất đáng để trải nghiệm. Vivu tin rằng đây là một trong những địa điểm du lịch Huế không thể bỏ qua khi tới với mảnh đất Cố đô.