Hà Giang – mảnh đất “hoa mọc trên đá” đã trở thành cái tên gây thương nhớ cho những tâm hồn mộng mơ, những kẻ mang trong mình dòng máu phiêu ưu, mạo hiểm, muốn chinh phục những vùng đất mới lạ. Hà Giang hiện lên trong sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, trong sắc tím hồng của những cánh hoa tam giác mạch Sủng Là, trong vòng xoáy uốn lượn của con đèo Mã Pí Lèng… Không những thế Hà Giang còn hiện lên một cách thiêng liêng và đầy tự hào của người dân Việt khi nhắc tới cột cờ Lũng Cũ – “nóc nhà” của Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú là một trong số các cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn) nơi đây là điểm cực bắc của Việt Nam. Từ xưa đến nay, cột cờ Lũng Cú vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia và là niềm tự hào lớn lao của những người con Hà Giang.
Xoanh quanh tên gọi, Lũng Cú có rất nhiều giai thoại về việc hình thành tên gọi cũng như lý giải tên theo nhiều hướng khác nhau.Theo tiếng của người H’Mông, Lũng Cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy, đơn giản vì nơi đây có những cánh đồng lớn đều trồng ngô và ngày nay còn trồng rất nhiều cây tam giác mạch và mùa hoa đã trở thành Lễ hội hoa nổi tiếng của Hà Giang.
Nơi rồng thiêng hội tụ
Có những người tại lý giải nó theo màu sắc huyền thoại về Lũng Cú, họ cho rằng đây là nơi rồng thiêng từng cư ngụ. Từ đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước, mặc dù ở độ cao chót vót nhưng nguồn nước ở đây lúc nào cũng dồi dào, trong xanh, người dân địa phương gọi nó là “long nhãn” (mắt rồng). Tương truyền rằng, xưa kia cư dân ở vùng đất này sống trong khổ cực, thiếu nguồn nước để sinh hoạt, rơi vào cảnh lầm than, điều đó đã làm cho rồng thiêng động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng và tạo thành hai hồ nước lớn như ngày nay.
Cái tên Lũng Cú ngoài hai ý hiểu trên thì còn gắn liền với sự tích về vua Quang trung và những tháng ngày chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Sau khi đại thắng quân xâm lược phương bắc, vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi ầm vang xa đến bên kia biên giới cũng nghe được. Mỗi khi có nguy, tiếng trống lại dồn dập vang xa hàng mấy dặm, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền từng tấc đất tấc sông. Chính vì thế, Lũng Cú còn có thể hiểu là “Long cổ” tức tiếng trống của nhà vua.Tiếng trống của cha ông khi xưa cũng như lá cờ đỏ sao vàng ngày nay là một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền đất nước.
Lịch sử cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú được xây dưng khang trang như ngày hôm nay cũng đã trải qua rất nhiều cột mốc quan trọng. Những câu chuyện về lịch sử về cột cờ cũng nhuốm màu sắc huyền sử thiêng liêng. Cột cờ được xây dựng đầu tiên đã có từ ngàn đời trước đấy. Ấy là vào thời Lý Thường Kiệt cột cờ được làm từ cây sa mộc đơn giản cao trên 10 mét. Tới thời kì Pháp thuộc năm 1887, cột cờ được xây lại, rồi trải qua nhiều lần trùng tu với độ cao và kích thước khác nhau.
Đến năm 1978, đồng chí phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn nhận thấy lá cờ cắm lúc trước chưa đủ rộng dderr người dân ở chân núi nhìn thấy nên đã quyết định sẽ thay thế nó bằng một lá cờ khác với kích thước lớn hơn. Ngày 12/08/1978, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền của tố quốc đã chính thức được tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú
Diện mạo mới – Sức sống mới
Từ năm 2002 đến những năm về sau, cột cờ được trùng tu nhiều lần, ngày càng mở rộng về quy mô, kích thước. Theo thiết kế mới, cột cờ ngày nay được xây với chiều cao 33,15m, trong đó phần chân cột cờ cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá giống với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ có diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Cột cờ ngày hôm nay ta thấy mới được xây dựng lại và khánh thành năm 2010.
Đường lên cột cờ Lũng Cú được xây dựng với tổng số 839 bậc thang, chia làm 3 chặng. Giữa các chặng có nhà chờ để khách du lịch có thể dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú mà bạn được trải nghiệm sẽ là những điều hết sức đặc biệt và vô cùng tuyệt vời.
Niềm tự tôn dân tộc
Nhìn từ dưới lên, cột cờ Lũng Cú hiên ngang, sừng sững trên đỉnh núi cao, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió khiến bạn không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày chiến tranh sục sôi của dân tộc để dành lại độc lập. Chỉ cần nghĩ đến những đồng chí, đồng đội, những người con quả cảm đã đánh đổi máu thịt, hy sinh vì nền độc lập chắc chắn sẽ tiếp thêm ý chí để bạn để đi tiếp những bậc thang còn lại.
Trên con đường chinh phục những bậc thang đá bạn còn có thể ngắm nhìn những tuyệt tác của thiên nhiên tạo nên trên cao nguyên đá Đồng Văn hay ngắm nhìn vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của những bản làng từ phía xa. Mỗi bước đi trên bậc thang dẫn lên đến đỉnh cột cờ, bạn sẽ có những cảm xúc khó tả khác nhau. Càng bước chân lên cao, Hà Giang lại xuất hiện ngày càng huyền ảo trong làn sương khói.
Đặt chân lên đến đỉnh núi, đứng dưới chân cột cờ bạn sẽ không hề cảm thấy mệt mỏi mà thay vào đó là những cảm xúc khác biệt, niềm tự hào, tự tôn dân tộc sẽ dâng trào trong bạn. Đứng là đây nhìn xuống, bạn sẽ bắt gặp hai ao nước không bao giờ cạn ở hai bên núi. Hai hồ nước mà người dân coi là “long nhãn” này chính là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân sống ở hai bản Lô Lô và bản người Mông.
Mùa thu về nơi miền cực Bắc
Nếu như đến du lịch Hà Giang, đặt chân lên cột cờ Lũng Cú vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, bạn có có cơ hội ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ, đầy yên bình mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng như giót mật, đưa hương lúa non hòa cùng làn gió mát hay những thung lũng hoa tam giác mạch hồng phớt đang đua đư, dạo chơi trong cơn gió thu dịu nhẹ. Chính những màu sắc này sẽ giúp cho chuyến đi trải nghiệm của bạn càng thêm phần thú vị hơn.
Đến với cột cờ Lũng Cú, bạn cũng có thể ghé thăm đồn biên phòng Lũng Cú nơi đây có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú và hầu như 10 – 15 ngày lá cờ lại được thay mới do sức gió trên đỉnh núi rất mạnh khiến lá cờ dễ bị hư hỏng. Những lá cờ cũ sẽ được các đồng chí bộ đội biên phòng giữ lại để làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt khi đặt chân đến đây. Đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, đi để khám phá, để hiểu được tiếng nói công lao to lớn của cha ông, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay tựa khúc quân hành
Giữa thanh thiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay tựa khúc quân hành ngân lên hùng tráng, dòng máu đồng bào nhuộm đỏ lửa tình yêu. Cột cờ là biểu trưng cho ý chí và sự kiên cường của những con người ngày đêm canh giữ từng mảnh đá, mảnh tình quê hương, đất nước. Những người tìm đến nơi đây, một phần vì cảnh vì sắc, một phần là để được cảm nhận, đắm mình trong cái tình
Đứng trên mảnh đất địa đầu cực Bắc của tổ quốc, phóng tầm mắt ra xa là cảnh núi non trùng điệp, từng tấc đất quê hương như trải dài mãi dưới chân. Ngắm nhìn là cờ tung bay trong gió và được “ôm” cả Hà Giang vào lòng bạn sẽ thấy được lòng tự hào dân tộc và những cảm xúc khác biệt trong tâm hồn. Đó là cảm xúc thiêng liêng vô cùng mà không phải đến bất kỳ vùng đất nào cũng có thể cảm nhận được. Và nếu muốn trải nghiệm cảm giác này, hãy nhanh tay xách balo lên vai và đến Hà Giang ngay thôi!