Lễ hội tây bắc đến với Tây Bắc mùa xuân với những mầm non đâm chồi nảy lộc. những đóa hoa mận, hoa mơ trắng phau e ấp tinh khôi, những nhành hồng hé nụ chúm chím khoe sắc bên bờ suối, dọc những con đường vào bản…Trong tiết trời xuân còn vương vấn chút se lạnh của mùa đông, rong ruổi trên những con đường vào bản làng Tây Bắc thấy khắp nơi ngập tràn sắc xuân và không khí tươi vui của những lễ hội truyền thống. Xuân này mình cùng ghé Đông – Tây Bắc đón mùa lễ hội nhé.
1. Lễ hội tây bắc Poọc của người Giáy ở Sapa
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Van Sapa là lễ hội cầu mùa với ý nghĩa mở đầu cho một năm mới thuận lợi, cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa để trồng trọt chăn nuôi phát triển, xóm làng yên bình, mọi người đều khỏe mạnh.
Theo tiếng của người dân tộc Giáy thì “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” nghĩa là đồng ruộng. Chính vì ý nghĩa này mà lễ hội sẽ được tổ chức ở cánh đồng nằm bên dòng suối Mường Hoa hiền hòa, thơ mộng.
Từ sáng sớm tinh mơ các vị có chức sắc trong làng sẽ tập trung đến nhà chủ làng để chuẩn bị đồ cúng thần, cầu treo, vòng mặt trời…Khi dân làng trong bản có mặt đông đủ, việc sắp xếp lễ đã hoàn thành thì thầy cúng sẽ bắt đầu đọc văn khấn thần linh. Thầy cúng sẽ đọc tên các lễ vật và xin các vị thần bản ban phước, phù hộ cho người dân có những vụ mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để. Sau khi phần lễ kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn Pí lè tấu lên như báo tin ngày hội Roóng Poọc bắt đầu.
Phần hội bắt đầu là thời khắc để mọi người tham gia vào những cuộc chơi. Tại lễ hội Roóng Poọc có rất nhiều trò chơi dân gian được diễn ra rất vui vẻ như cuộc thi cày ruộng, thi ném còn, trò chơi bịt mắt bắt dê, đánh đu, kéo co…Không khí của buổi lễ diễn ra vô cùng rộn ràng, nhộn nhịp, người ca người hò, người múa khèn, người ghép duyên, khuấy động cả không gian tĩnh mịch của đại ngàn Tây Bắc.
Lễ hội Roóng Poọc là một lễ hội có tính chất văn hóa cộng đồng mang đậm chất tâm linh, huyền bí vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Giáy. Nếu như đến Sapa vào ngày Thìn tháng Giêng thì bạn nên đến lễ hội Roóng Poọc để trải nghiệm lễ hội tây bắc ở Tây Bắc có gì mà hấp dẫn người ta đến nhiều như vậy nhé.
2. Lễ hội tây bắc mùa xuân Xên Mường của người Thái
Lễ hội Xên bản, Xên Mường của đồng bào người Thái sinh sống ở các tỉnh Mai Châu, Điện Biên, Sơn La… là lễ hội cầu an có từ thế kỷ 13. Hội Xên bản Xên Mường được diễn ra vào những ngày giữa tháng Giêng hoặc tháng 2 âm lịch khi mà hoa ban trắng bắt đầu nở. Đây là lễ hội cầu an, cầu mùa của người Thái nên họ sẽ gửi gắm vào trong đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, ấm no nơi bản Mường. Đồng thời lễ hội cũng là dịp để người dân trong bản có dịp để vui chơi, thi tài, trai gái tìm hiểu, trao duyên tâm tình qua tiếng đàn, tiếng hát.
Ngày đầu tiên của lễ hội chủ yếu là làm lễ và múa hát, đánh trống chiêng. Ngày thứ hai sẽ tổ chức thi bắn súng và cung nỏ. Đặc biệt cuộc thi bắn súng ở đây hoàn toàn khác biệt với những gì chúng ta nghĩ. Họ sẽ tung những quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo mí dốc thì các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm – đón – bắn. Người chiến thắng là người bắn cả 3 lượt đều trúng và dành được giải “cần han” (người tài giỏi). Phần thưởng dành cho người chiến thắng là một mâm cỗ đầy xôi thịt gọi là “pản han”. Tạo mường đứng ra trao thưởng cho người “cần han” một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, tuyên bố phong chức “tuần mường” (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất.
Bên cạnh cuộc thi bắn súng, bắn nỏ thì tại lễ hội còn diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: Keng loóng, đánh trống chiêng, chơi cù quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp…Những trò này đã gắn bó với người Thái từ thủa nhỏ nên nó đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái.
Không gian sôi động và độc đáo của lễ hội thu hút nhiều người tham, đặc biệt là những vị khách du lịch lần đầu đến đây và được trải nghiệm. Hội Xên bản Xên Mường là những nét truyền thống, văn hóa dân tộc cần được phải duy trì và bảo tồn.
3. Lễ hội tây bắc Gầu Tào của người Mông ở Hà Giang
Lễ hội tây bắc Gầu Tào là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người dân tộc Mông. Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mồng một đến ngày rằm tháng Giêng. Theo tiếng Kinh, lễ hội Gầu Tào có nghĩa là lễ cúng, trong đó cúng để tạ ơn trời đất, thần linh, thần công thổ địa, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu được mạnh khỏe, có con trai nối dõi tông đường; cầu phúc, cầu lộc cho cuộc sống được ấm no, đủ đầy, mùa màng bội thu. Lễ hội diễn ra còn là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, múa hát các điệu giao duyên, khèn Mông, say sưa bên những chén rượu ngô thơm nồng đầu xuân…
Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những nghi thức thể hiện các nét văn hóa của người Mông. Mở đầu phần lễ là việc chuẩn bị lễ vật cúng thần như: thủ lợn, ngô, thóc, xôi, rượu, tiền vàng mã…Trong lễ hội, nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhiều nhất chính là lễ dựng cây nêu, bởi việc dựng nêu này sẽ báo hiệu cho mọi người biết là gia chủ đang tổ chức lễ hội tây bắc Gầu Tào. Tại địa điểm dựng nêu sẽ được dựng thêm hai cọc gỗ cao to, bên trên buộc xà ngang dùng để treo ngô thóc tượng trưng cho việc cầu ấm no cho gia chủ. Địa điểm tổ chức thường được thầy cúng lựa chọn ở trên ngọn núi hay những gò đất cao.
Sau khi thực hiện hết các nghi lễ trang nghiêm của phần lễ thì phần hội sẽ được diễn ra. Hội thường được tổ chức trên những khu đất rộng rãi, bằng phẳng hay trên các triền đồi nơi có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thuận lợi cho việc du xuân, chơi núi của đồng bào. Phần hội là thời gian vui vẻ, không khí diễn ra vô cùng náo nức. Gia chủ sẽ hát những bài hát ca ngợi bản mường, chúc tụng mọi người nhân dịp năm mới. Người dân trong bản sẽ thổi khèn, múa khèn, mời nhau chén rượu ngô thịnh tình và cùng say trong tiếng khèn trầm bổng, da diết mời gọi không dứt…Những chàng trai, cô gái trẻ sẽ tổ chức những trò chơi truyền thống: đánh yến, leo cột lấy bầu rượu… tạo không khí vui tươi và nhộn nhịp của ngày Tết vùng cao Hà Giang. Lễ hội Gầu Tào kết thúc, thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ tạ ơn đất trời, thần linh, tổ tiên, xin phép được hạ câu nêu, đốt sớ, đem bầu rượu buộc lên ngọn nêu tưới khắp các hướng trên đồi núi.
Lễ hội Gầu Tào vừa là cách để người Mông hướng về tổ tiên nguồn cội với tất cả lòng thành kính, vừa là nơi để người dân trong bản làng được sum họp, vui chơi cùng nhau. Gầu Tào là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh vùng cao Đông – Tây Bắc nói chung.
Mùa xuân này là thời gian thích hợp nhất để bạn cùng gia đình và bạn bè đi du xuân, tham quan ở các tỉnh vùng núi cao Đông – Tây Bắc. Cái Tết và các lễ hội ở vùng cao sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị đang đón chờ bạn đấy. Nhớ xuân này ghé Đông – Tây Bắc cùng Checkin Travel đón mùa lễ hội nhé.