Home Khám Phá Thưởng thức rượu ngon khắp Đông Tây Bắc

Thưởng thức rượu ngon khắp Đông Tây Bắc

0
1759

Uống rượu – một trong những nét văn hóa  có từ xa xưa của người Việt ta. Theo quan niệm, khi uống rượu thì cũng chính là lúc con người bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, nỗi niềm, suy tư mà bấy lâu nay vẫn cố gắng chất chứa trong lòng. Rượu ở đâu cũng có những cõ lẽ rượu ở vùng Đông – Tây bắc là đa dạng và đặc sắc nhất. Mỗi vùng, bà con dân tộc lại có một cách nấu rượu khác nhau với muôn vàn thứ nguyên liệu từ chính nông sản thu hoạch được của họ. Đối với bà con dân tộc thì chén rượu là điều không thể thiếu; chén rượu xuất hiện hàng ngày trong những bữa cơm đạm bạc, trong những ngày mùa bội thu, trong lễ hội và các dịp trọng đại khác. Cùng CheckinTravel điểm danh những loại rượu ngon khắp vùng Đông – Tây bắc để xem bạn đã thử được bao nhiêu loại rồi nhé.

Rượu cần – Hòa Bình

Rượu cần Hòa Bình là thức uống đặc sản của dân tộc Mường được làm từ gạo nếp và men lá theo công thức cổ truyền, hương vị thơm ngon đậm đà. Truyền thuyết xưa có kể rằng: “ Rượu cần của người Mường được ra đời từ bàn tay khéo léo, trí thông minh và sự đức hạnh của người con gái Mường. Uống rượu cần người Mường là “uống sữa mẹ thiên nhiên” và uống cái tình người ấm nồng.

Cũng như những loại rượu khác thứ quan trọng nhất quyết định rượu ngon hay không chính là men rượu. Men rượu được coi là linh hồn của một vò rượu. Thứ men rượu ngon nhất từ trước đến nay mà người Mường dùng là men lá, một loại men chế biến từ lá cây trên rừng, có tên gọi là cây “trơ trẳng”. Men rượu cần Hòa Bình được làm từ những nguyên liệu đặc biệt như: ớt, gừng, riềng, lá mít, lá ổi và nhiều lá  cây rừng như lá mâm xôi, vỏ lòng não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi… và một thành phần không thiếu là vỏ cây gỗ mun ấy đã làm ra thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe và có giá trị tinh thần, văn hóa cộng đồng sâu sắc.

Ở Hòa Bình, trong những bản làng của người Mường, uống rượu cần được người dân gọi là “vít khòe” ( vít rượu cần). Vò rượu sau khi đồ nguyên liệu từ gạo, trấu và men rượu sẽ được ủ chôn dưới đất 100 ngày. Làm rượu vốn đã cầu kì nên cách mà người Mường uống rượu cũng cầu kì chẳng kém. Có nhiều hình thức tổ chức uống rượu cần, tiêu biểu là uống xúm lúm- nội bộ gia đình uống với nhau và rượu cần cộng đồng Mường bản – rượu được uống với đông đảo người trong mường tham gia. Trước khi uống rượu tất cả mọi người sẽ hướng tất cả cần rượu về phía bếp một lúc với ngầm ý để ba vị vua bếp uống trước, sau đó người mới được uống.

Có chút khác biệt với những vùng khác, ở Hòa Bình người Mường không uống rượu cần trong những bữa cơm hàng ngày mà chỉ khi nhà có đông khách quý, dịp lễ tết, hội hè, người Mường mới tổ chức uống rượu. Khi uống phải có đông người, càng đông càng vui.

Rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn

Rượu Mẫu Sơn đỉnh từ xưa đã nổi tiếng khắp bốn phương nhờ sự kết hợp giữa nguồn nước suối tinh khiết chảy ra từ lòng núi với khí hậu quanh năm dịu mát chỉ có ở núi Mẫu Sơn – nơi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển và bí quyết trong việc lên men lá và phương pháp chưng cất truyền thống chỉ có ở đồng bào Dao tồn tại đã hàng trăm năm nay.

Để có thể chưng cất ra được loại rượu ngon có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối được lấy từ những con suối chảy trong rừng ở độ cao 1000m so với mực nước biển thì chất gây me từ lá cây rừng thì không thể nào thiếu được. Men lá là sự chắt lọc và kết hợp hài hòa giữa tinh hoa của hơn 30 loại thảo dược quý hiếm chỉ có ở Mẫu Sơn. Có rất nhiều vị lá không chỉ tạo nên vị thơm, vị ngon riêng biệt mà nó còn có công dụng bồi bổ, cải thiện sức khoese như: cúc chỉ thiên, hoắc hương núi, thảo uy linh, cây sáy dịp, trầu rừng, dây ngọt…

Rượu Mẫu Sơn sau khi được chưng cất lại sẽ được đem đựng trong thùng gỗ sồi. Gỗ sồi  bên cạnh việc làm cho chất andrehit thẩm thấu, khuếch tán nhanh hơn còn làm cho hương vị rượu mềm mại hơn,  chất phenol trong gỗ sồi khi kết hợp với rượu sẽ tạo ra vị thơm ngọt ngào. Những thùng gỗ sồi sau khi đã chứa đầy ắp rượu lại được cho vào hầm xây bằng đá  với một nhiệt độ ổn định trên đỉnh núi Mẫu Sơn đã tạo ra sự êm dịu, sâu lắng cho từng giọt rượu Mẫu Sơn.

Rượu Mẫu Sơn hấp dẫn người ta không chỉ bởi vị thơm ngon của lá rừng, vị ngọt của nước suối mà còn bởi sự nồng hậu, tấm chân tình chất phác của đồng bào người Dao sống ở nơi đây. Rượu ngô bản Phố – Bắc Hà

Rượu Bó Nặm – Bắc Kạn

Rượu Bó Nặm là một loại rượu trắng nổi tiếng của đồng bào người Dao sống tại Bắc Kạn. Tên rượu Bó Nặm được hiểu theo tiếng Dao có nghĩa là “nguồn nước”.

Rượu Bó Nặm được lên men chính là ngô và các loại thảo dược quý hiếm, được chưng cất theo phương thức gia truyền thủ công truyền thống từ hàng chục năm nay. Người Dao sống trên núi cao nổi tiếng với nhiều vị thuốc lạ. Hàng trăm loại lá được họ lấy về rồi trưng cất thành men lá để nấu rượu lên có hương vị tinh khiết của núi rừng, rượu uống mềm môi mà say như ru ngủ, khi tỉnh dậy không thấy đau đầu như các loại rượu pha cồn khác.

Rượu Bó Nặm có đặc trưng là hương thơm hấp nhất và vị hơi ngọt. Rượu Bó Nặm có nhiều loại với các độ cồn và dùng men khác nhau và được sử dụng tùy theo từng dịp. Những loại có độ cồn cao thường được chưng cất hơn một lần. Rượu Bó Nặm nấu theo phương pháp thủ công truyền thống có màu hơi đục do quá trình chưng cất thủ công không loại trừ hết được các hạt tinh bột siêu nhẹ và các chất đường.

Rượu Bó Nặm này tuy không tinh tế bằng rượu chưng cất từ nếp cẩm, nhưng lại có chất mạnh mẽ, phóng khoáng và hoang dã  như núi rừng Việt Bắc.

Rượu nếp Sán Lùng – Lào Cai

Đến Lào Cai một trong những đặc sản mà bạn đừng bỏ qua, dù chỉ là mộ chút nhấp môi thì cũng lên một lần uống thử rượu Sán Lùng (San Lùng). Tương truyền rằng, thứ rượu mang tên Sán Lùng này đã khiến bao người phải ngất ngây, quyến luyến khi đến thăm các bản làng người Dao ở Lào Cai. Là thứ “mỹ tửu: được trời đât ban cho, uống một giọt lại muốn uống thêm giọt nữa, những giọt rượu ngon không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về ẩm thực mà nó còn mang ý nghĩa lớn về văn hóa đối với đồng bào người Dao.

Rượu Sán Lùng không như những loại rượu khác được chưng cất từ gạo, ngô hay sắn và ủ men, nó lại được chế biến rất công phu, nguyên liệu từ thóc nươg và hạt cao lương đỏ luộc chín, ủ bằng loại men lá gia truyền có đủ vị thảo dược của núi rừng, có vị phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm lưu thông khí huyết… Rượu nấu bằng cách chưng cách thuỷ.

Rượu Sán Lùng có màu trong vắt hơi ngả xanh, khi chén rượu mới chỉ kề môi là bạn đã có thể cảm nhận được hương thơm tinh khiết nhẹ nhàng mà cuốn hút, uống khỏi miệng thấy ngọt dịu và hơi ngậy, khi ngà ngà thấy lâng lâng dễ chịu, không có cảm giác đau đầu.

Rượu Sán Lùng hay văn hóa nấu rượu, thưởng rượu của bà con dân tộc Dao là một đặc sản của vùng mà ai tới đây cũng mong được trải nghiệm một lần.

Rượu táo mèo – Sapa

Rượu táo mèo là thứ rượu đặc sản của người H’Mông ở Sapa. Cây táo mèo hay còn gọi là sơn trà mọc hoang rất nhiều trên dãy Hoàng Liên Sơn, đây là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho người H’Mông nơi đây.

Để có thể làm ra một bình rượu táo mèo ngon đòi hỏi sự tỉ mẩn và kì công rất cao. Những quả táo được chọn không được quá to, phải lấy những quả nhỏ chỉ nhỉnh hơn quả trứng chim cút một tí. Nó hai má, một má màu hồng, một má màu vàng, ngâm được rượu nó rất là ngon. Táo càng chín thơm, càng vàng, đỏ thì ngâm rượu mới có vị thơm.

Rượu táo mèo tươi

Chọn táo để ngâm rượu đã khó đến công đoạn ủ rượu cũng thật cầu kỳ. Táo cần được phải rửa thật sạch, cắt hai đầu rồi lấy rượu ngô rửa lại, sau đó để thật ráo nước mới được mang đi ngâm. Khi táo đã róc nước đem xếp vào đến quá nửa bình, đậy nắp kín lại, ủ qua một đêm. Đến tối hôm sau mở bình là mùi hương đã tỏa ra nức mũi thì lấy rượu ngô đổ vào để ngâm. Ba ngày sau, táo sẽ ngả thành màu vàng óng, sau đó là ngả màu nâu. Đến độ tầm 15 – 20 ngày thì màu rượu có màu đẹp như mài hổ phách. Ngâm càng lâu thì màu rượu lại càng đẹp, uống càng ngon, càng thấm.

Rượu táo mèo được ra đời với vị đặc trưng và có tác dụng an thần chữa được nhiều loại bệnh về thần kinh như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt…Du lịch Sapa, bạn sẽ không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên đât trời, sức hấp dẫn không thể chối từ của những món đặc sản mà còn đến từ hơi men say trong ly rượu táo mèo thơm nồng.

Rượu ngô – Bắc Hà

Rượu ngô Bắc Hà hay còn được gọi dưới  một cái tên khác là rượu ngô Bản Phố – là một trong những thứ rượu ngon đặc sản của người H’Mông và người Dao ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà.

Rượu ngô Bắc Hà được nẩu từ nước suối Hang Dế. Ngô dùng để nấu rượu cũng không phải loại ngô thông thường được trồng ở nương rẫy hay thung lũng mà nó được lấy ở trên những núi đá cao heo hút. Đặc biệt là giống ngô vàng trồng ở xã Lùng Phình (Bắc Hà) cho ra nhiều rượu có hương thơm nồng rất ngon. Giống ngô này cho bắp chắc, vàng, năng suất không cao, bù lại hạt mềm, bùi và giàu dinh dưỡng. Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản để nấu rượu dần.

Đặc biệt bí quyết để tạo nên sự khác biệt của rượu ngô Bắc Hà là nó được lên men bằng bộ bông của cây Hồng Mi. Người H’Mông sẽ dùng hạt này đem giã nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi, nhào thật nhuyễn, nắm thành quả đặt trên rơm và phơi ở nơi ít nắng, thoáng gió đến khi những quả men khô, chuyển thành màu trắng y như chiếc bánh bao thì mang bỏ vào thúng, rổ để lên gác bếp bảo quản để dùng dần.Rượu ngô nấu bằng củi. Sau khi rượu sôi, người nấu luôn giữ lửa cháy nhỏ và đều, tiếp đủ nước để rượu không bị khê.

Rượu ngô thường được các người dân tộc nơi đây dùng vào các bữa cơm thường ngày,cũng như để mời các vị khách đến nhà. Đó là một truyền thống có từ lâu đời của con người dân tộc hiếu khách nơi đây.Khi bạn đến Bắc Hà có thể mua rượu để về ngâm hoặc để làm quà cho mọi người.

Rượu là một trong những thức uống không hề có hại nếu như bạn biết cách sử dụng nó đúng cách. Biết cách uống rượu, thưởng rượu thì mới có thể cảm nhận được hết cái ngon, cái ngọt, cái tinh hoa của rượu. Nếu như có dịp đi du lịch, bạn có thể uống thử những loại rượu đặc sản này, đây sẽ là một trải nghiệm thú vị cho bạn khi đến vùng  Đông – Tây Bắc đó.

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here