Nằm ở trung tâm của vùng Đông Bắc, Tuyên Quang được xem là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” với nhiều thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Cùng Vivu điểm qua 10 địa điểm du lịch Tuyên Quang nổi tiếng hấp dẫn du khách!
Xem thên: 20 đặc sản Tuyên Quang nức tiếng gần xa
1. Suối khoáng Mỹ Lâm
xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, cách thị xã Tuyên Quang 15km theo quốc lộ 37.
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ số 2 lên Tuyên Quang, tới ngã ba Bình Thuận (cách thành phố Tuyên Quang gần 2 km) có đường rẽ trái là quốc lộ 13A. Đi tiếp 14 km nữa sẽ tới khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Khác hẳn với ấn tượng một khu vui chơi ồn ào, đây là một làng quê nhỏ vùng cao của người dân tộc Cao Lan, Tày, v.v.
Với rừng núi yên bình, không khí trong lành, rất thích hợp với việc nghỉ ngơi và điều dưỡng sức khỏe, chữa bệnh. Suối khoáng Mỹ Lâm còn có tên gọi khác là “Suối khoáng Sun-phua” vì hàm lượng Sulfuahydro trong nước khá cao (5mg/lít) và khoáng hoá đạt 1,15-0,25 mg/lít. Nguồn nước được phát hiện từ năm 1923 bởi các nhà địa chất học người Pháp. Nước suối khoáng Mỹ Lâm rất trong, nóng 68°C có mùi H2S, được bơm trực tiếp từ mạch nước sâu hơn 150 m tới các bồn tắm cá nhân trong khu du lịch và khu điều dưỡng.
Theo đánh giá, sau thời gian điều trị tại suối khoáng Mỹ Lâm, các bệnh như: cao huyết áp, ngoài da, khớp, vôi hoá cột sống, viêm dây thần kinh tọa, suy nhược cơ thể, hen phế quản, viêm phế quản, viêm đại tràng… có tỷ lệ chữa khỏi từ 78-90%. Nguyên lý chữa bệnh của nước khoáng chính là tác động lên cơ thể để huy động các cơ chế bù trừ và kích thích tăng cường sức đề kháng. Nếu chỉ đến Suối khoáng Mỹ Lâm để tham quan và tắm một vài lần nên lưu ý: Trước khi vào phòng tắm, cần nghỉ ngơi 10 phút, sau khi vào phòng tắm, cần dội nước trong 5 phút đầu, sau đó mới ngâm trong bồn, thời gian không nên quá 25 phút.
2. Thác Bản Ba
Huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) khoảng 40 km đường nhựa, thác Bản Ba được người dân địa phương ví như cô gái đẹp chưa biết dùng son phấn. Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, cách Tuyên Quang 90km. Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km nằm sâu trong rừng già, giữa thiên nhiên xanh và núi non trùng điệp.
Hệ sinh thái là những cánh rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi, nhiều loại gỗ quý, những thân dây leo chằng chịt. Thảm thực vật phong phú, nhiều loài chim và loài bướm đủ màu sắc. Từ xa, thác Bản Ba đổ trắng xóa một góc núi rừng. Dưới chân thác, những cánh đồng quanh năm tươi tốt. Đồng bào người Tày, người Nựng cất nhà ven sườn núi, thấp thoáng ẩn hiện trong thung. Du khách đến thăm nơi đây được hưởng trọn vẹn cảnh quan nguyên sơ và thơ mộng.
Thác Bản Ba hôm nay đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2007 và là một trong những điểm đến của những người yêu thích thiên nhiên và khám phá mạo hiểm. Ngoài việc đi thăm ngọn thác hùng vĩ nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh, bạn còn có thể tham quan rừng già với nhiều loài thực vật quý. Sau một chuyến đi mỏi, nhớ ghé lại ăn bữa cơm với măng rừng, cơm nếp, thịt gà, mắm cá ruộng, những món đặc sản ngon tuyệt của đất Tuyên Quang.
3. Thác Mơ
Thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang.
Thác Mơ nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang cách thị xã Tuyên Quang 100 km. Lối vào thác là con đường rải nhựa ngoằn ngoèo chạy dưới tán rừng nguyên sinh. Vào tham quan thác, du khách như ngỡ mình đang lạc giữa chốn bồng lai, tiên giới. Ẩn khuất sau dãy núi, phía dưới chân là hồ nước trong veo, lung linh tựa bức tranh thiên nhiên ba chiều. Trên chiếc xuồng nhỏ du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh non nước ấy – một kiệt tác của thiên nhiên.
Thác Mơ được chia làm 3 tầng.
Tầng thác thứ nhất nước đổ dữ dội, các con nước nối đuôi nhau quật vào những khối đá chắn ngang dòng tung bọt trắng xóa.
Thác thứ hai êm dịu hơn, nước chảy thành chùm, luồn qua từng kẽ đá. Trên những khối đá cao, rêu phủ xanh rì. Chân thác có một hồ nước nhỏ trong vắt, người ta bảo rằng hồ nước ấy chính là nước mắt của nàng Mơ ngồi khóc ở đó mỗi khi đêm xuống. Nếu du khách thích mạo hiểm, có thể lặn ngụp dưới đáy hồ để đùa giỡn với cá tôm hay chiêm ngưỡng những hang động kỳ ảo với những nhũ đá đủ các hình thù lung linh màu sắc.
Thác thứ ba là ngọn thác cao nhất trong quần thể thác Mơ. Nước từ trên cao dội xuống như một máng nước khổng lồ, nước mượt mà như mái tóc thiếu nữ đang xoã giữa trưa hè ngập nắng. Hơi nước và hơi đá toát ra lành lạnh sẽ xua tan mệt mỏi, tạo thêm hưng phấn để du khách chinh phục kỳ quan hùng vĩ này.
4. Danh Thắng Thượng Lâm
Xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.
Danh Thắng Thượng Lâm được ví như một bức tranh thủy mặc bởi núi non trùng điệp, bao quanh bởi mặt nước mênh mông của hồ Thủy điện Na Hang với diện tích hơn 8.000 hecta. Khí hậu Thượng lâm mát mẻ quanh năm, có nhiều dòng suối và con thác đẹp tạo nên một vùng sơn thủy kỳ thú.
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, Thượng Lâm càng thêm đẹp và duyên dáng như thiếu nữ tuổi trăng tròn. Từ bến Thuỷ Thượng Lâm, du khách có thể bơi thuyền, mảng, đi thuyền du lịch trên lòng hồ đên tận Hà Giang, hồ Ba Bể (Bắc Kạn) chiêm ngưỡng một miền đất sơn thuỷ hữu tình, thưởng thức sơn hào, thuỷ vị tươi ngon và nghe tiếng đàn tính réo rắt quyện với tiếng hát then của các cô gái Tày Thượng Lâm duyên dáng, da như trứng gà bóc nổi tiếng trong truyền ngôn “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”.
Xung quang vùng lòng hồ có nhiều thác nước đẹp, huyền ảo: Thác Song Long, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng, thác Nậm Me… như những dải lụa xanh giữa đại ngàn đắm say lòng người. Ngày hè nóng nực hàng đoàn khách du ngoạn trên hồ, vượt thác, ngắm rừng già cổ thụ với những cây nghiến hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi mới thật lý thú.
Xung quang lòng hồ có những hang động đá vôi nguyên sơ: động Song Long, động Khuổi Pín… và những hang động còn đang chờ khám phá phát hiện đáng để bạn thưởng ngoạn.
5. Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Na-Hang – Lâm Bình
Huyện Na Hang, Tuyên Quang
Khu bảo tồn còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới ở tình trạng nguyên sinh hoặc ít bị tác động của con người. Trong đó có khoảng 70% là rừng trên núi đá vôi, tuy nhiên còn có những vùng rừng thường xanh còn lại trên các đai thấp (Cox, 19942 ). Đã xác định được trên 2.000 loài thực vật với nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam như Trai (Garcinia fragraeoides), Mun (Diospyrus mollis), Nghiến (Burretiodendron hsienmu), Lát Hoa (Chukrasiatabularis A.juss), Đinh (Markhamia stipulata), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Hoàng đàn, Trầm gió.
Hệ động vật trong khu bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao, đã ghi nhận được 90 loài thú, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài lưỡng cư. Có 13 loài thú trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có loài Voọc mũi hếch sinh sống với quần thể lớn nhất, đây là loài Linh trưởng đang bị đe dọa toàn cầu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tổ hợp rừng trên núi đá vôi Na hang nằm trong hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới Bắc Đông Dương. Tại đây có 8 loài Khỉ hầu bị đe dọa tuyệt chủng mang tính toàn cầu. Vùng phân bố thế giới của loài Voọc mũi hếch và Voọc đầu trắng đều ở trong hệ sinh thái này. Chính vì vậy, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là trong trong 223 hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới (Olson & Dinnerstein, 1983)
6. Làng Chài Phúc Yên
xã Phúc Yên, huyện Na Hang, Tuyên Quang.
Trên lòng Hồ sinh thái Na Hang, làng chài Phúc Yên được coi là điểm du lịch kỳ thú bậc nhất. Hiện nay, huyện Lâm Bình đang tập trung khai thác điểm du lịch khám phá này, hướng xây dựng làng chài thành làng du lịch homestay trên lòng hồ.
Nếu du khách đi thuyền từ chân đập thủy điện Tuyên Quang phải mất hơn 5 tiếng lênh đênh trên hồ mới tới được làng chài Phúc Yên. Còn đi từ bến thủy Nà Tông, xã Thượng Lâm cũng mất chừng 3 đến 5 giờ. Cái hay của chuyến đi chơi xa là du khách đã phải chuẩn bị kỹ mọi thứ từ quần áo, thuốc men, đèn pin, máy ảnh… và tâm lý ngủ lại nhà bè trên lòng hồ. Vượt qua địa danh Cọc Vài, con thuyền hướng mũi ngược sông Gâm. Càng lên mạn ngược phong cảnh càng đẹp, lãng mạn. Hai bên lòng hồ là những ngọn núi cao quanh năm mây phủ. Hệ thống rừng nguyên sinh trải dài màu xanh ngút ngàn tầm mắt.
Ở lòng hồ, cứ một đoạn thắt eo lại mở ra một thung lũng lòng hồ rộng. Đi thuyền, du khách cảm nhận được những làn gió mát thổi liên hồi. Thuyền bắt đầu tiến vào làng chài Phúc Yên, khung cảnh lòng hồ rộng bao la. Ở đây có nhiều đảo đá, với nhiều hình thù khác nhau. Trên vách núi xung quanh hồ, hàng chục thác nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Mọi thứ ở đây còn rất nguyên sơ, hoang dại, trong lành. Một số đảo, những đàn cò, vạc quần tụ sinh sống. Người dân thường gọi với cái tên thân mật là “đảo cò”.
Khung cảnh làng chài Phúc Yên đẹp nhất vào khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh. Các nhiếp ảnh gia chính là những người tiên phong khám phá ra vùng này rồi quảng bá rộng rãi cho công chúng biết. Qua các tác phẩm nhiếp ảnh, ai cũng muốn một lần được tới làng chài, cảm nhận trực tiếp mảnh đất, con người nơi đây.
7. Di tích lịch sử Tân Trào
Khu di tích lịch sử Tân Trào – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu là 561,1km2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia:
Cụm di tích Nà Lừa gồm
Lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, nằm ở sườn Tây núi Nà Lừa; lán Cảnh vệ, cách lán Nà Lừa khoảng 20m về hướng Tây, là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, để đảm bảo an toàn cho Bác; lán Điện Đài – nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh (tại Côn Minh – Trung Quốc); lán Đồng Minh – nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng Minh; lán họp Hội nghị Cán bộ Toàn quốc của Đảng, cách lán Nà Lừa 20m về hướng Bắc, được dựng lên để phục vụ Hội nghị Toàn quốc của Đảng, diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945).
Di tích cây đa Tân Trào
Chiều ngày 16/8/1945, tại địa điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.
Di tích đình Tân Trào
Đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) – đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Di tích đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng.
Cụm di tích trụ sở Phân khu Nguyễn Huệ
Tháng 3 năm 1945, Khu uỷ Phân khu Nguyễn Huệ được chuyển về thôn Ao Búc, xã Trung Yên. Tại đây, Khu ủy đã quyết định thành lập chính quyền cách mạng (ngày 10/3/1945) và thành lập Uỷ ban Lâm thời Châu Tự Do – chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước (ngày 16/3/1945).
Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ
Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời kỳ này, trên các lĩnh vực nội chính, kinh tế, tài chính, văn hoá – xã hội…
Di tích Ban Tổ chức Trung ương
Ban Đảng Vụ cùng Trung ương Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tổ chức Trung ương) đã ở và làm việc tại đây vào cuối năm 1949 và từ tháng 4 năm 1951 đến cuối năm 1953.
Di tích Ban Nông vận Trung ương
Tháng 5 năm 1952, Ban Nông vận Trung ương chuyển đến ở và làm việc tại khu Ao Rừm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương
Ban Tuyên truyền của Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương) đã từng ở và làm việc trên một quả đồi tại thôn Thia.
Di tích Việt Nam Thông tấn xã
Trong hơn hai năm (kể từ năm 1952), Việt Nam Thông tấn xã đã đóng tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương để tuyên truyền, khích lệ nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Di tích Bộ Nội vụ: năm 1948, Bộ Nội vụ chuyển đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương và đã chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ.
Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương từ cuối năm 1952 đến tháng 7 năm 1954. Trong thời gian này, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 02 năm 1953), Hội nghị Toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11 năm 1953), Kỳ họp lần thứ ba của Quốc hội Khóa I (từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12 năm 1953) và nhiều cuộc họp quan trọng khác…
Di tích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Từ giữa năm 1952 đến tháng 8 năm 1954, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ở và làm việc tại thôn Cầu, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Bộ Ngoại giao
Một thời gian ngắn đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển đến ở và làm việc tại làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Sau đó, Bộ chuyển về xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Nha Công an
Tháng 4 năm 1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến “Nhà ông cả Nhã”, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh. Đây là nơi đóng quân đâu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp.
Di tích Nha Thông tin
Nha Thông tin được đặt tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương năm 1951. Tại đây, những bản tin, bài thơ, bài hát cách mạng… đã được đăng tải trên đài phát thanh, phản ánh trung thực đời sống tinh thần, tình hình chiến sự của đất nước và tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đến nhân dân.
Di tích Bộ Tư pháp
Từ cuối năm 1949 đến tháng 9 năm 1950, Bộ Tư pháp đã ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Cụm di tích Kim Quan
thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn
Bao gồm: di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích hầm an toàn của Chính phủ; di tích hầm an toàn của Trung ương Đảng; di tích Văn phòng Trung ương.
Ngoài ra, trong khu vực di tích hiện nay còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp…
8. Sân Bay Lũng Cò
xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang.
Lũng Cò – Sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Sân bay Lũng Cò nay thuộc xã Minh Thanh (Sơn Dương – Tuyên Quang) dài 400m, rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh. Đây là sân bay đầu tiên do chính quân dân ta xây dựng và được coi là sân bay quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Đầu năm 1945, máy bay của trung úy Saw – phi công của lực lượng không quân Mỹ tại Côn Minh (Trung Quốc) bị lực lượng phòng không của Nhật bắn rơi, nhảy dù xuống Cao Bằng. Trung úy Saw được du kích ta cứu thoát và đưa về gặp Bác Hồ. Trước sự việc ấy cùng với sự ngỏ ý muốn đặt mối quan hệ với Mặt trận Việt Minh của tướng Sê-nôn (Tư lệnh Đoàn không quân số 14), Bác Hồ đồng ý đưa trung úy Saw sang Trung Quốc để trao trả cho quân Đồng minh.
Trên thực tế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ ít lâu sau, cả dân tộc lại bước vào cuộc chiến đấu chống thực Pháp xâm lược. Hơn 70 năm trôi qua, mặt bằng sân bay đã không còn nhưng sân bay Lũng Cò sẽ mãi mãi là minh chứng lịch sử về tài năng, sự sáng tạo của người Việt trong gian khó, từ đó chiến thắng mọi kẻ thù.
9. Di Tích Làng Ngòi – Đá Bàn
Thôn Làng Ngòi – Mỹ Bằng – Yên Sơn – Tuyên Quang.
Khu di tích lịch sử Làng Ngòi – Đá Bàn là địa danh lịch sử được biết đến bởi mối tình đoàn kết gắn bó , cùng sẻ chia của 2 nước Việt – Lào. Nơi đây, trong thời gian hơn một năm, là nơi ở, làm việc và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Lào của Hoàng thân Xu-Pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào.Giờ đây, tại hai thôn Làng Ngòi và Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, đã trở thành địa chỉ đỏ ghi dấu và giáo dục các thế hệ trẻ về mối đoàn kết hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt – Lào, cùng vun đắp và xây dựng tình hữu nghị bền vững.
Khu Làng Ngòi bao gồm các di tích: Hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Ítxala; nơi ở, làm việc của đồng chí Cayxỏn Phômvihản; nơi ở, làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông; nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào. Toàn bộ Khu di tích nằm trên đồi Gò Tre, đồi Tơ thuộc thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Diện tích đã được khoanh vùng bảo vệ là: 1.500m2.
10. Di Tích Thành Nhà Mạc
Thành nhà Mạc ( Thành Tuyên Quang ), nằm trên địa phận tổ 8, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1552, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào đầu thời nhà Nguyễn ( thế kỷ XIX ). Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông thủy bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Tuyên Quang. Thành cổ Tuyền Quang là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang, từ cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan chống thực dân Pháp năm 1884, đến khí thế vũ bão sục sôi những ngày khởi nghĩa tháng 8 – 1945 lịch sử, buộc phát – xít Nhật phải đầu hàng, giải phóng hoàn toàn thị xã Tuyên Quang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thành cổ Tuyên Quang hai lần chứng kiến thất bại của quân Pháp vào năm 1947 và 1949.
Thành cổ Tuyên Quang còn khá nguyên vẹn cho đến cuối thế kỷ XX, trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố Tuyên Quang, một số trục đường của thành phố chạy qua vị trí thành cổ nên hiện nay Thành cổ Tuyên Quang bị chia cắt, nhiều đoạn tường thành không còn. Hiện còn lại hai cổng thành phía bắc và phía tây. Đoạn tường thành còn lại duy nhất nằm trên góc đường Bình Thuận và Cổng Lấp, dài hơn 140m. Cho đến nay Thành cổ Tuyên Quang là biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang và đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.