Được mệnh danh là những “Nấc Thang lên Thiên Đường” – Ruộng bậc thang là kiệt tác từ bàn tay của người lao động, những thửa ruộng bậc thang được người dân vùng cao tạo ra để canh tác các loại cây lương thực, chủ yếu là cấy lúa. Với cách lấy nước độc đáo từ các khe nước chảy từ trên đỉnh núi vào mùa nước đổ.
Hãy cùng Vivu thăm quan những kỳ quan ruộng bậc thang trên toàn thế giới nhé.
1. Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái, nơi đây có hệ thống ruộng bậc thang lớn nhất Việt Nam. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là những ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia với diện tích khoảng 2.200 ha. Năm 2007, 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được xếp hạng là di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.
Mù Cang Chải đẹp nhất trong năm vào hai dịp, khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước (khoảng tháng 5 tháng 6, là thời điểm người dân đắp đập, ke bờ, dẫn nước vào ruộng để chuẩn bị cày ải, gieo mạ và cấy lúa) và vào mùa lúa chín (khoảng tháng 9 tháng 10 hàng năm).
2. Ruộng bậc thang Banaue, Philippines
Ruộng bậc thang Banaue có lịch sử hơn 2000 năm tuổi nằm ở vùng núi tỉnh Ifugao của Philippines. Được mệnh danh là “Kỳ quan thứ tám của thế giới” Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới bởi sự đồ sộ với độ cao so với mặt nước biển là khoảng 1.500m và diện tích 10.360 km2. Kiệt tác ruộng bậc thang Banaue thể hiện kỳ thuật canh tác điêu luyện của người xưa, tất ca được tạo ra bằng rất ít công cụ, chủ yếu là bằng tay. Người Ifugao đã sử dụng đá và tường bùn để xây dựng các bậc thang có thể chứa ruộng ao ngập nước để trồng lúa.
Họ cũng thiết lập một hệ thống để tưới tiêu cho những mảnh đất này bằng cách lấy nước từ các khu rừng nhiệt đới phía trên ruộng bậc thang thông qua hệ thống các khe núi, suối vào mùa nước đổ. Tháng 9 và tháng 10 là thời điểm mà người dân nơi đây hay chọn để gieo trồng vụ lúa mới. Ruộng bậc thang Banaue tương đối dốc, khoảng cách giữa các bậc lúa lớn và thường dao động từ 0,6 đến 1 mét. Đến tháng 12 đầu tháng 1, khi những đồng lúa đang trên đà phát triển thật nhanh cũng là lúc ruộng đợi cơn mưa đầu mùa cung cấp nước chuẩn bị vụ thu hoạch vào tháng 6 trong năm.
Để ngắm nhìn khung cảnh những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất, du khách sẽ di chuyển đến nơi được gọi là Sunrise Viewpoint. Việc leo núi có thể mất vài giờ nhưng tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục của thung lũng bậc thang là phần thưởng xứng đáng với những ai yêu thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng.
3. Ruộng bậc thang Sa Pa, Việt Nam
Với lịch sử lâu đời và vẻ đẹp độc đáo gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, ruộng bậc thang Sa Pa đã được du khách trong nước và nước ngoài rất yêu thích, khám phá và thưởng ngoạn. Tạp chí du lịch “Travel and Leisure” của Mỹ đã bình chọn và công bố ruộng bậc thang ở Sapa là một trong bảy ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Đây là loại hình canh tác độc đáo trong sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp truyền thống, do bàn tay người nông dân vùng cao khai thác và kiến tạo ở độ cao 700 đến 1.500 m so với mặt biển. “Vì thế nó xứng đáng được tôn vinh là di sản để đời”, tạp chí này viết.
Còn gì vui bằng mùa gặt ruộng bậc thang của người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở nơi “đầu non đầu suối”. Phụ nữ gặt đến đâu, đàn ông kéo theo những chiếc “phàn thống” (hòm đựng lúa) được đóng bằng gỗ, hình thang cân lật ngược. Họ dùng những chiếc “néo” là hai đoạn gỗ nhỏ, cứng chắc, được kết nối với nhau bằng da con trâu cái già, để ghìm bó lúa đập vào “phàn thống” cho rụng hạt, rồi đóng bao đưa lên lưng ngựa hoặc dùng xe máy chở về nhà. “Ruộng bậc thang là cái “bồ thóc” không bao giờ vơi của người Mông ta đấy”, nó như cái “niềng vàng” giữ chân đồng bào định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa”- già làng Chỉn bảo vậy.
4. Ruộng bậc thang Bali, Indonesia
Bali có thể được biết đến nhiều nhất với làn nước trong xanh và cát trắng của những bãi biển, nhưng nó cũng được biết đến với những ruộng bậc thang màu xanh ngọc lục bảo rực rỡ, đặc biệt là ở khu vực Ubud và Tegallalang. Khu vực này sử dụng hệ thống “subak”, một hệ thống tưới tiêu cho các cánh đồng lúa đã được phát triển cách đây hơn một nghìn năm.
Các cánh đồng lúa của Bali được xây dựng xung quanh các đền thờ nước và việc phân bổ nước được thực hiện bởi một thầy tu. Tuy nhiên, hệ thống lâu đời này đang bị đe dọa bởi ngành du lịch phát triển mạnh của khu vực. Các ước tính chỉ ra rằng khoảng 1.000 ha ruộng lúa được chuyển đổi thành các cơ sở du lịch và khách sạn hàng năm.
5. Ruộng bậc thang Nguyên Dương, Vân Nam, Trung Quốc
Ruộng bậc thang là cảnh quan văn hóa ngoạn mục tại các sườn núi dốc của Ai Lao Sơn cao chót vót và của vực sâu hiểm trở bên sông Hồng. Trong 1.300 năm qua, người dân Hà Nhì đã phát triển một hệ thống phức tạp các kênh để đưa nước từ đỉnh núi vào các ruộng bậc thang. Họ cũng đã tạo ra một hệ thống canh tác tổng hợp, chăn nuôi trâu, bò, vịt, cá, lươn và sản xuất lúa gạo đỏ, cây trồng chính của khu vực.
Người dân thờ thần mặt trời, mặt trăng, núi, sông, rừng và các hiện tượng tự nhiên khác. Họ sống trong 82 ngôi làng nằm giữa núi rừng và ruộng bậc thang. Hệ thống quản lý đất đai của ruộng bậc thang thể hiện sự hài hòa đặc biệt giữa con người và môi trường tự nhiên, cả về trực quan và sinh thái, dựa trên cấu trúc xã hội và tôn giáo đặc biệt, lâu dài.
Ở đây thường trồng một vụ trong năm, bắt đầu vào tháng tư và thu hoạch vào tháng 9. Kết thúc mùa gặt, từ giữa tháng 9 đến tháng 11, những bậc ruộng luôn đầy ắp nước cho tới mùa cấy năm sau. Những mảng nước trong ruộng tạo thành những chiếc gương đa chiều, trong suốt khi nhìn từ trên cao xuống.
6. Ruộng bậc thang Long Tích (Longji), Trung Quốc
Longji (Long Tích – hay Xương Sống của Rồng) là một trong những ruộng bậc thang ở Trung Quốc rất nổi tiếng nằm cách 80km về phía Bắc của Quế Lâm. Vì hình dạng khá giống những vẩy trên lưng rồng nên mới được người dân địa phương đặt tên là Longji. Độ cao của ruộng bậc thang này từ 300 -1,110 mét với độ dốc là 50˚.
Khi đến đây tham quan, du khách sẽ thấy nhiều phụ nữ mặc những bộ quần áo dân tộc sặc sỡ đang làm công việc đồng án. Bên cạnh đó, ngắm cảnh bình mình trên ruộng bậc thang Longji chính là điều mà bạn không nên bỏ lỡ khi đã đến đây tham quan trong chuyến du lịch Trung Quốc.
7. Ruộng bậc thang Annapurna Base Camp, Nepal
Ở Nepal, 65% dân số làm nông nghiệp. Du khách có thể thấy ruộng bậc thang ở Nepal ít ngoạn mục hơn nhưng khung cảnh nơi đây nguyên sơ và độc đáo.
Không giống Bali, độ cao và mùa đông lạnh giá của Himalaya khiến các cánh đồng hoang hóa trong mùa đông. Vào cuối tháng 2, các thửa ruộng ở đây hồi sinh với tiếng hát của phụ nữ làm lụng cho vụ mùa tiếp theo. Những cánh đồng ngập tràn màu xanh nhạt của lúa mì, màu xanh đậm của khoai tây và đậu lăng. Thời gian sau, những nơi đó sẽ phủ đầy lúa.
Ruộng bậc thang ở Nepal là một trong những ruộng bậc thang hoang sơ nhất trên thế giới. Những nơi này hầu như không phải là điểm du lịch ồ ạt, vẫn giữ được mộc mạc như cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.