Những ai đã từng đặt chân lên đến vùng đất Tây Bắc có lẽ đều say mê với cảnh sắc mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Người ta đến vì say mê những con đường đèo uốn lượn nằm lưng chừng núi, những thung lũng trải đầy hoa, những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất nhì thế giới, những ánh mắt nụ cười hồn nhiên của đứa trẻ vùng cao và say luôn cả sắc áo thổ cẩm rực rỡ phơi bên mái hiên nhà đầy nắng.
Và rồi vì say như thế nên chẳng có gì lạ khi người ta lỡ nhịp bước chân vào một xứ lạ với những mái nhà nhỏ xinh được làm từ gỗ pơ mu quý hiếm của núi rừng Tây Bắc. Háng Đồng – Tà Xùa chào đón người ta bằng cảnh đẹp như mộng và ẩn chứa trong nó là vô vàn điều diệu kỳ khiến bao người đi mà chẳng muốn quay về.
Biển mây nơi núi non hùng vĩ
Thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Háng Đồng – Tà Xùa mang trong mình một vẻ đẹp đậm chất Tây Bắc với những dãy núi trùng điệp, những con đèo quanh co, sương mù giăng kín lối. Đặc biệt người ta biết đến Tà Xùa là một trong những “vương quốc mây” được dân phượt, dân xê dịch săn đón và muốn khám phá nhất. Thế nhưng, cảnh đẹp hấp dẫn đâu chỉ có mỗi vậy, Háng Đồng – Tà Xùa còn cuốn hút người ta đến khám phá ngôi làng nhỏ xinh nhưng vô cùng quý báu của người dân tộc Thái ẩn mình dưới chân núi hùng vĩ.
Chuyện kể rằng, vùng đất này trước vốn là một thung lũng hoang biệt, cách trở, khi người Mông về đây sinh sống, an cư, lập nghiệp thì những cây pơ mu đã mọc bạt ngàn, trải dài ở một cánh rừng rộng lớn. Cũng chính vì thế mà pơ mu đã trở thành vật liệu chính để người dân nơi đây dựng nhà, dựng cửa để bắt đầu một cuộc sống mới.
Từ bao đời nay, từ nhà ra đến ngõ, những hàng rào, những cây cầu treo và đặc biệt là những nếp nhà được lợp ngói pơ mu vẫn vững chãi đứng ở đó và trở thành một phần không thể thiếu của người dân ở Háng Đồng – Tà Xùa.
Pơ Mu – Loại gỗ quý hiếm nhưng phổ biến tại nơi đây
Những ngôi nhà gỗ được cất bằng gỗ pơ mu là tài sản quý giá nhất của bà con người Mông, căn nhà có giá trị ước lượng có thể lên đến cả chục tỉ đồng bởi được xây bằng gỗ quý. Gỗ pơ mu là những cây gỗ được liệt vào sách đỏ Việt Nam và cần được bảo tồn. Theo các chuyên gia thực vật thì cây pơ mu thuộc họ cây đàn.
Pơ mu là loại gỗ rất bền và chắc có khả năng chống mối mọt và các loại ruồi nhặng, trong thân gỗ có dầu và gỗ rất thơm, nhất là khi đem gỗ đốt lửa, tỏa ra mùi hương thơm bay rất xa quyện vào sương khói núi rừng. Loại gỗ này có thể ngâm trong nước hoặc chôn sâu dưới đất vài chục năm mà không bị mục.
Những ngôi nhà này đều được làm 100% bằng gỗ pơ mu và hầu như không pha trộn thêm những loại gỗ khác. Điều khác biệt là phần mái của những ngôi nhà ở đây được lợp hoàn toàn bằng những tấm ván gỗ pơ mu, mà không nơi nào có. Chúng có độ bền, chắc chắn hơn cả ngói và tấm lợp proximăng…
Nhà lợp ván gỗ pơ mu nhìn bên ngoài có phần gồ ghề, không phẳng phiu như nhà lợp bằng ngói nhưng chúng rất kín gió, dù có mưa bão nhà vẫn không bị dột. Không chỉ kín khi mưa gió vào mùa hè, nhà lợp bằng pơ mu làm không khí trong nhà luôn mát mẻ, dễ chịu, không cần dùng đến máy điều hòa khi trời nắng nóng.
Nhà gỗ pơ mu của người Mông
Nhà gỗ pơ mu của người Mông có cái thiết kế rất độc đáo, lạ lẫm lắm. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ pơ mu, dựng theo kiểu truyền thống với đủ 34 cột vuông và 2 cầu thang, kiến trúc đầu tròn, đầu xà, kèo cột, các hoa văn họa tiết ở cột kèo được thiết kế khá tinh xảo hình rồng, phượng hoặc hình hoa lá. Trong đó, ở đầu các cột nhà, các đố đỡ đều được tạo hình đầu voi với cái vòi vươn dài khá cầu kỳ. Đặc biệt, mỗi tấm lợp mái nhà được bổ từ gỗ pơmu rộng 50cm và dài 1m đan lồng lên nhau.
Ở Háng Đồng – Tà Xùa có những ngôi nhà gỗ có “tuổi đời” lên đến hơn 100 năm nhưng vẫn chưa phải trung tù lại lần nào nhờ độ bền chắc của gỗ pơ mu mang lại.
Những mái nhà phủ màu rêu phong, những thớ gỗ đã in màu của năm tháng, những ngôi nhà gỗ được xếp đều tăm tắp được thiết kế theo kiểu ô bàn cờ trông vừa lạ mắt, lại mang đậm chất núi rừng Tây Bắc mộc mạc và giản dị.
Trải qua bao tháng năm, bao thế hệ người Thái đã nối tiếp nhau sinh sống và gìn giữ những mái nhà gỗ pơ mu xinh đẹp ấy để rồi giờ đây nó đã trả thành một thứ “đặc biệt” mà không nơi đâu có được.
Những ngôi nhà Pơ Mu cổ kính, rêu phong
Ngày ngay, người dân không còn phá rừng lấy gỗ làm nhà nữa, ngược lại cùng nhau bảo vệ, giữ rừng để rừng pơ mu tái sinh trở lại. Những ngôi nhà pơ mu được bà con lưu giữ để làm nơi cho du khách đến thăm quan, trải nghiệm, góp phần đưa ngành du lịch ở địa phương phát triển.
Đến bản làng pơ mu, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ kính rêu phong, gặp những cô gái Mông xinh tươi đang e ấp trước cổng nhà, hay đâu đó bắt gặp những tiếng nô đùa của lũ trẻ trong ánh hoàng hôn khi buổi chiều tà…Và nếu như có dịp đến Háng Đồng – Tà Xùa vào dịp cuối tuần, ắt sẽ làm người ta phải say mê, đắm chìm trong những điệu múa xòe chứa đựng ân tình nơi đây.
Nổi bật và độc đáo trong màn sương thanh bình
Quả thực những bản làng pơ mu đã nhận được sự ưu ái tuyệt diệu của mẹ thiên nhiên để rồi bản làng nhỏ chỉ với gần 100 nếp nhà đã đưa chúng ta đi từ những điều diệu kỳ này đến những điều diệu kỳ khác mà lòng không khỏi mong chờ.
Bản làng quanh năm chìm trong sương mù ảo ảnh, khắp nơi nhựa sống vẫn đang ngày ngày tuôn chảy, cỏ cây tươi tốt, con người sống hiền hòa trong những mái nhà pơ mu nằm im lìm bên những con suối nhỏ như khiến người ta lạc vào miền cổ tích. Bản làng nhỏ quá đỗi thanh bình, nơi mà những muộn phiền trong lòng sẽ tan nhanh theo tiếng gió bay và chỉ còn thấy trong tim là những điều kỳ diệu đang hiển hiện.
Một ngôi làng nhỏ nằm giữa bao la của núi rừng Tây Bắc, những nếp nhà pơ mu ẩn hiện. Để rồi mỗi lần nhớ về Tây Bắc, người ta đâu chỉ nhớ về những lần săn mây kỳ thú, những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những con đèo tử thần…Mà họ còn rỉ tai nhau về một miền cổ tích giữa cõi đời bộn bề ở Háng Đồng – Tà Xùa.